Trước đây, hầu như ngày nào tôi cũng ăn sáng với bánh mì. Khi thì ổ bánh mì ốp la, lúc thì bánh mì thịt nướng, bánh mì patê... Tôi có thói quen hễ ăn ở đâu thấy hợp khẩu vị là "dính" luôn ở chỗ đó.
Thật may mắn, gần công ty tôi có một xe bánh mì bán đầy đủ các loại nhân nên cứ mỗi ngày tôi lại thay đổi một món. Tôi chỉ việc chạy xe, tấp vào lề, lập tức có nhân viên ra hỏi dùng bánh mì gì, sau khi người trong quầy làm xong thì họ giao tận tay và lấy tiền.
Xui rủi làm sao, hôm đấy người nhân viên này có việc nghỉ làm, tôi phải đích thân vào trong mua và có cơ hội thấy "quy trình chế biến". Đến lượt làm bánh mì cho tôi thì hết đồ chua (cà rốt, cà trắng thái sợi ngâm chua). Thế là cô chủ bê cái xô màu đỏ đựng đồ chua để dưới đất lên ghế. Loay hoay mãi mà chưa kiếm được đồ gắp, thế là cô thọc hai tay vào bóc một mớ, không quên vắt cho nước giấm chảy hết trở lại xô.
Tôi đứng hình trong 5 giây không biết nói gì. Từ chối mua thì cũng chẳng được, vì đã lỡ làng rồi. Tôi chỉ ước gì nếu đang ngồi trên xe máy thì sẽ rồ ga bỏ chạy.
Tôi đem chuyện này kể cho các đồng nghiệp, họ trêu: "Ăn bẩn sống lâu", có người còn bảo đó là cách rèn sức đề kháng tự nhiên.
Thật sự mà nói, khi làm đồ ăn ở nhà, chúng ta cũng dùng tay trần sau khi rửa sạch sẽ với xà phòng. Nhưng ở quán ăn, tiệm bánh thì là một vấn đề khác: họ dùng tay làm biết bao việc, như cầm tiền, chùi vào quần áo, cầm giẻ lau...
Tôi đã đọc những bài viết chia sẻ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Ở quán phở, quán hủ tiếu - có thuê mặt bằng cụ thể nên theo tôi rất dễ dàng quản lý. Luật đã có, chỉ có điều thực thi và kiểm tra nghiêm hay không mà thôi.
Còn với những tiệm buôn bán đồ ăn nhỏ lẻ, hàng rong mới thực sự là vấn đề khó quản lý.
Khi không thể kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng thực phẩm. Người tiêu dùng, dù sang trọng hay bình dân đều mong mỏi được phục vụ một bữa ăn từ những người nấu có tâm trong khâu chế biến.
Điều này khó lắm sao?
Thanh Nhựt
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.