Luật sư Phong, bào chữa cho Hồ Duy Hải, được TAND Tối cao mời tham gia phiên giám đốc thẩm từ ngày 6 đến 8/5. Sau chừng 20 phút của buổi làm việc đầu tiên, chủ toạ Nguyễn Hoà Bình cho rằng luật sư không cần tham gia các phần tiếp theo vì "xét xử mang tính nội bộ". Ông Phong ngay sau đó có văn bản đề nghị được tham gia đầy đủ song không được chấp thuận.
Trong văn bản gửi đến Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình (chủ toạ phiên toà), Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng luật sư Phong không được tham gia đầy đủ có thể ảnh hưởng đến việc bảo đảm các quyền lợi của người bị kết án cũng như người bào chữa.
Viện dẫn khoản 2 Điều 386 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Liên đoàn đánh giá "người bào chữa đã được mời và có mặt tại phiên tòa giám đốc thẩm thì có quyền được trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước tòa án". Vì thế, việc cho luật sư tiếp tục tham gia tại phiên tòa giám đốc thẩm sẽ chứng minh rõ nét về sự tôn trọng của tòa án với vai trò của người bào chữa.
Sau khi tiếp nhận văn bản của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chiều 7/5 lãnh đạo TAND Tối cao đã chấp thuận kiến nghị và mời luật sư Phong tham gia phiên toà vào 8h ngày 8/5. Luật sư sẽ tuân theo sự điều khiển phiên toà của chủ toạ.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, đây là vụ án lớn liên quan quyền con người nên vai trò của luật sư rất quan trọng, thể hiện sự khách quan, công tâm. Toà cần cho luật sư Phong tham dự và thậm chí tạo điều kiện cho nhiều luật sư nếu họ có nhu cầu.
Đồng quan điểm, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, cho biết với vụ án điển hình này nên để luật sư tham dự xuyên suốt phiên giám đốc thẩm và được trình bày, cung cấp chứng cứ khi chủ toạ cho phép. "Thậm chí để khách quan, HĐXX giám đốc thẩm có thể mời cả luật sư của bị hại đến tham dự", ông nói.
Phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải (35 tuổi) kêu oan bị cáo buộc giết hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An) bắt đầu từ 6/5 do Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa. Hội đồng thẩm phán gồm toàn bộ 17 thẩm phán cao cấp của cả nước.
Theo cáo buộc, tối 13/1/2008, Hải đến Bưu điện Cầu Voi chơi - nơi chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) và em họ tên Vân (21 tuổi) làm việc. Anh ta nảy sinh ý định quan hệ tình dục với chị Hồng nhưng không thực hiện được nên sát hại cô và người em.
Cuối năm 2008, Hải bị TAND tỉnh Long An tuyên án tử hình, TAND Cấp cao tại TP HCM sau đó y án. Ngày 22/11/2019, VKSND Tối cao có kháng nghị chỉ ra loạt sai phạm, bất thường trong vụ án và đề nghị Hội đồng thẩm phán xem xét hủy hai bản án trước đó để điều tra lại.