Ngày 6/5, ông Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa Hội đồng gồm toàn bộ 17 thẩm phán cao cấp của cả nước, xem xét vụ tử tù Hồ Duy Hải (35 tuổi, quê Long An) kêu oan tội Giết người và Cướp tài sản.
Theo TTXVN, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra từ tháng 1/2008, khiến 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (Long An) tử vong, gây bức xúc dư luận. Vụ án đã qua hai cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm nhưng sau đó đã có nhiều đơn thư gửi đến Văn phòng Chủ tịch nước và quyết định tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hải. Cuối năm 2019, VKSND Tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại vụ án.
Do đó, nhiệm vụ của phiên giám đốc thẩm là kiểm tra, thẩm định, đánh giá tính hợp pháp, có căn cứ của các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án và chủ yếu làm rõ những nội dung trong kháng nghị của VKSND Tối cao.
Nếu cần thiết, những nội dung khác không bị kháng nghị cũng sẽ nêu ra để làm rõ tổng quan của vụ án. Ngoài ra, Hội đồng cũng xem xét, làm rõ các chứng cứ, tài liệu mới luật sư gửi tới Hội đồng thẩm phán. Nếu những nội dung kháng nghị chưa làm rõ hết thì phiên tòa có thể kéo dài hơn dự kiến.
"Yêu cầu đặt ra với phiên tòa là phải xem xét cẩn trọng, khách quan, toàn diện, đúng thủ tục pháp luật trên cơ sở phán quyết chặt chẽ, thận trọng, công tâm, không cho phép sai, không được làm oan người vô tội, hoặc bỏ lọt tội phạm", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Tại phiên làm việc hôm nay, Hồ Duy Hải không có mặt. Để phục vụ cho việc xem xét lại toàn bộ vụ án, TAND Tối cao mời đại diện của cơ quan điều tra, viện, tòa các cấp sơ thẩm (tỉnh Long An), Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM (hồi năm 2009 xử phúc thẩm), các cơ quan Trung ương và luật sư từng tham gia bào chữa vụ án.
Đại diện VKSND Tối cao, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng được ủy quyền tham gia phiên làm việc.
Trong số những người tham gia điều tra vụ án giai đoạn đầu được tòa mời có ông Lê Thành Trung (hiện là Trưởng Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An); Nguyễn Văn Linh (hiện là Phó phòng Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an Long An). Riêng ông Nguyễn Thanh Phong (hiện là Phó Trưởng Công an huyện Đức Hòa, Long An) - cán bộ điều tra vụ án, lập biên bản, quyết định lệnh tạm giam đối với Hồ Duy Hải, vắng mặt.
Tòa cũng mời các cán bộ giám định hiện trường, bác sĩ khám nghiệm tử thi, thẩm phán phiên sơ thẩm, một số luật sư, kiểm sát viên... tham gia giải quyết vụ án nhưng một số người không đến dự.
Trong buổi làm việc sáng nay, sau khi đại diện VKSND Tối cao trình bày toàn bộ bản kháng nghị giám đốc thẩm, luật sư Trần Hồng Phong - người bào chữa cho Hồ Duy Hải đã nêu quan điểm và nộp các chứng cứ, tài liệu thu thập được cho Hội đồng thẩm phán xem xét. Ông cũng đề nghị được tiếp tục tham gia các buổi làm việc sau đó nhưng không được Hội đồng thẩm phán chấp nhận.
Hải Duyên