Bà Nguyễn Thị Loan (57 tuổi) cùng em và con gái đến cổng tòa từ 6h - nơi diễn ra phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải (35 tuổi) bị tuyên tử hình về tội Giết người và Cướp tài sản. Lực lượng cảnh sát bảo vệ quanh trụ sở TAND Tối cao nhiều hơn thường ngày. Người ra vào cổng phải qua lớp kiểm tra an ninh.
Bà Loan và gia đình không được tham gia buổi làm việc, đành ngóng thông tin từ luật sư. Bà nói "luôn tin con không phạm tội", nên hơn chục năm qua đi gõ cửa biết bao cơ quan để gửi đơn kêu oan cho Hải. "Tôi không thể nhớ hết. Mất tất cả tài sản tôi cũng chấp nhận, nhưng không thể sống thiếu con", bà nói, giọng nghẹn.
Bà cho biết, chỉ nghĩ đến những gì tốt đẹp và kết quả khả quan nhất ở phiên giám đốc thẩm này - Hải được thả, được minh oan. Tuy nhiên, gia đình cũng tính đến phương án xấu nhất là Hải bị y án. "Dù vậy chúng tôi cũng không bao giờ bỏ cuộc, sẽ kêu oan đến cùng cho nó", bà Loan nói.
Chị Hồ Thị Thu Thuỷ (29 tuổi) kể, lần gặp anh ruột gần nhất là trong trại giam hôm 14/2. Hải gầy đi nhiều nhưng tinh thần thoải mái hơn trước. "Ảnh không ngừng dặn mẹ con tôi đi kêu oan cho mình, nhưng vẫn luôn nhắc mẹ giữ gìn sức khoẻ và kêu tôi đi lấy chồng để ổn định cuộc sống", Thuỷ nói. "Tôi hy vọng ảnh được tự do sau phiên giám đốc thẩm".
Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao do Chánh án Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa, sẽ xem xét lại hàng loạt những "bất thường" trong quá trình giải quyết vụ án, các vấn đề bị cho là sai phạm nghiêm trọng về tố tụng, chứng cứ buộc tội Hải... dự kiến kéo dài đến ngày 8/5.
Đây cũng là phiên giám đốc thẩm đầu tiên, luật sư của bị cáo - ông Trần Hồng Phong, được mời tham gia bào chữa và thực hiện quyền tranh tụng, theo Bộ Luật tố tụng Hình sự 2015.
Rời phòng làm việc của toà lúc 12h, luật sư Trần Hồng Phong cho biết, Hội đồng thẩm phán phiên giám đốc thẩm hôm nay có 17 người, phía VKSND Tối cao có Viện phó cùng 3 người khác. Ngoài ra, còn có đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Uỷ ban tư pháp Quốc hội cùng các cơ quan tố tụng tỉnh Long An như Thẩm phán phiên sơ thẩm, kiểm sát viên...
Sau khi đại diện VKSND Tối cao trình bày toàn bộ bản kháng nghị giám đốc thẩm, luật sư Phong nêu quan điểm và nộp các chứng cứ, tài liệu thu thập được cho Hội đồng thẩm phán xem xét. "Chủ toạ thông báo luật sư chỉ cần có mặt ở buổi đầu, còn lại không cần thiết phải tham gia. Tôi làm đơn đề nghị tiếp tục tham dự nhưng không được chấp nhận. Tôi rất hy vọng trong phiên làm việc nội bộ, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sẽ có những quyết định hợp tình, hợp lý nhất", ông Phong nói.
Theo bản án đã có hiệu lực, tối 13/1/2008, Hải đến Bưu cục Cầu Voi (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An) nơi làm việc của chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) chơi. Đêm đó, còn có Vân (21 tuổi, em họ Hồng) cùng trực.
Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với Hồng, nên đưa tiền cho cô em đi mua trái cây. Anh ta sau đó kéo Hồng vào phòng ngủ nhưng bị chị này chống cự đạp vào bụng rồi vùng chạy xuống bếp. Bực tức, Hải bóp cổ chị Hồng, vớ con dao và thớt gỗ gần đó sát hại nạn nhân. Sợ bị bại lộ, Hải giết luôn Vân khi cô đi mua trái cây về.
Gây án xong Hải lấy 1,4 triệu đồng, 40 sim điện thoại của bưu điện, điện thoại và một số nữ trang của các nạn nhân. Mấy ngày sau, anh ta mang điện thoại nữ trang lên TP HCM bán lấy 3,7 triệu đồng tiêu xài rồi quay về mang quần áo mặc lúc gây án ra sau vườn nhà bà Len (dì ruột) đốt.
Cuối năm 2008, bị TAND tỉnh Long An tuyên phạt mức án tử hình, Hải kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 28/4/2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.
Hải có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm nhưng bị bác. TAND Tối cao và VKSND Tối cao sau đó lần lượt có quyết định không kháng nghị vụ án. Hải và gia đình sau đó liên tục kêu oan và xin hoãn thi hành án. Trưa 4/12/2014, một ngày trước khi thi hành án tử hình Hải, Hội đồng thi hành án tỉnh Long An ra quyết định tạm hoãn thi hành.
Ngày 22/11/2019, VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình điều tra xét xử vụ án.
Trong đó, tòa hai cấp có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án. Các chứng cứ, tài liệu kết tội bị cáo chưa đầy đủ.
Các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng như: không trưng cầu giám định vết máu ngay khi thu được mà để 4 tháng sau khi khám nghiệm hiện trường; không đưa lời khai của Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án; khám nghiệm hiện trường nhưng không thu giữ các vật chứng quan trọng; một số biên bản ghi lời khai, hỏi cung có sửa chữa nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai...
Đặc biệt, cơ quan tiến hành tố tụng không lấy lời khai của anh Phùng Phụng Hiếu (nhân chứng đầu tiên phát hiện vụ án); nhân vật tình nghi Nguyễn Văn Nghị (được cho là bạn trai của một trong hai nạn nhân có mặt tại hiện trường), Nguyễn Mi Sol không được điều tra làm rõ.
VKSND Tối cao cho rằng những sai phạm ở hai cấp xét xử này cần phải khắc phục để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm.
Hải Duyên - Phạm Dự