Nội dung nêu trong công văn Sở Giao thông Vận tải vừa gửi UBND TP HCM, sau khi nghiên cứu và cập nhật ý kiến các bên liên quan để hoàn thiện phương án triển khai công trình.
Tuyến đường nêu trên sẽ xây mới với chiều khoảng dài 6 km, rộng 60 m, 12 làn xe. Các đơn vị thống nhất phương án điểm đầu tuyến ở đường Nguyễn Thị Định, điểm cuối tại nút giao Vành đai 3 và cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Khu vực này sẽ được xây dựng nút giao hoàn chỉnh, bao gồm các nhánh nối vào Vành đai 3 và tuyến cao tốc.
Tổng mức đầu tư tuyến đường nối ước tính 8.000 tỷ đồng. Sở Giao thông Vận tải đánh giá nếu triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) sẽ khó khả thi. Bởi gần khu vực có ba đường đang và sắp thu phí theo hợp đồng trên, dẫn đến khó thu hồi vốn cho nhà đầu tư cũng như dễ bị đơn vị vận tải phản ứng. Vì vậy, ngành giao thông thành phố đề xuất dùng ngân sách đầu tư công trình. Việc này sẽ thuận lợi do dùng nguồn thu phí hạ tầng cảng biển đầu tư dự án giao thông kết nối cảng.
Để sớm triển khai dự án trên, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị các bên liên quan phối hợp sớm hoàn thiện phương án đầu tư và cập nhật vào đồ án quy hoạch chung Thủ Đức cũng như các đồ án quy hoạch chi tiết tại khu vực. Trước đó, trong nhóm 34 dự án giao thông trọng điểm năm 2023 được UBND TP HCM thống nhất, đường liên cảng dự kiến khởi công năm 2024.
Cát Lái hiện là cảng có sản lượng hàng hoá lớn nhất nước, chiếm 85% so với các cảng phía Nam và 50% cả nước. Cách Cát Lái khoảng 3 km là cảng Phú Hữu cũng có lượng hàng hóa rất lớn nên các tuyến đường xung quanh như Nguyễn Thị Định, Võ Chí Công, Đồng Văn Cống, Nguyễn Duy Trinh... thường xuyên ùn tắc. Đây là một trong khu vực có tình hình giao thông phức tạp nhất TP HCM.
Gia Minh