Hơn một tuần sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ thay thế quy chế năm 2017, nhiều nhà khoa học, chuyên gia giáo dục đã kiến nghị xem xét lại. Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội, có 4 điểm tiên quyết cần tiếp thu để quy chế mới "nếu không cải tiến hơn thì chí ít có sự kế thừa những điểm tiến bộ của quy chế 2017 mà nhiều tổ chức, cá nhân đã tốn bao giấy mực, tranh luận quyết liệt để có được".
Trước hết về chuẩn đầu ra, theo quy chế năm 2017, nghiên cứu sinh phải công bố tối thiểu hai bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó một bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục tạp chí ISI/Scopus, hoặc công bố tối thiểu hai báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện, hoặc hai bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.
Quy định này không cao so với khu vực. Ngành Khoa học xã hội nhân văn và tất cả ngành khác hoàn toàn có thể đáp ứng được bởi yêu cầu về chuẩn ngoại ngữ với tiến sĩ theo khung bậc 8 trình độ năng lực quốc gia là rất cao, như tiếng Anh phải là B2, bậc 4/6. Do đó, ông Đức cho rằng quy chế mới nếu không cao hơn thì chuẩn đầu ra vẫn phải giữ được như quy chế 2017, thậm chí có thể nâng chuẩn với một số ngành Khoa học tự nhiên - Công nghệ.
Thứ hai, quy chế mới không nên hạ thấp yêu cầu với người hướng dẫn, thành viên hội đồng. Thầy không giỏi thì không có trò giỏi. Giảng viên hướng dẫn và chấm luận án cho nghiên cứu sinh phải có chuyên môn sâu, phù hợp và có năng lực nghiên cứu tốt. "Đã giữ lại yêu cầu công bố quốc tế với nghiên cứu sinh thì cũng phải có yêu cầu đó với người hướng dẫn, thành viên hội đồng chấm luận án", ông Đức nói.
Thứ ba, theo khung trình độ ngoại ngữ quốc gia, tiến sĩ phải đạt bậc 4/6, tương đương TOEFL iBT 72 điểm. Thế nhưng, quy chế mới lại chỉ yêu cầu TOEFL iBT 46 điểm, tương đương bậc 3/6 - B1 như với thạc sĩ. Đây là điểm không phù hợp, cần sửa đổi.
Với mục tiêu tăng cường hội nhập quốc tế cho đội ngũ trí thức, quy chế cũ quy định những nghiên cứu sinh sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ khác tiếng Anh vẫn phải giao tiếp được chuyên môn (nghe, đọc, hiểu, trình bày được chuyên môn) bằng tiếng Anh. Đây là điểm rất tiến bộ, nhưng quy chế mới đã bỏ đi hoàn toàn. GS Đức kiến nghị giữ lại nếu được sửa đổi.
Cuối cùng, trong quản lý đào tạo, nghiên cứu sinh khi vào theo quy chế nào thì thường phải ra theo quy chế ấy. Nhưng khoản 2 điều 24 quy chế vừa ban hành đã cho phép tất cả khóa tuyển sinh theo quy chế cũ được áp dụng chuẩn đầu ra như quy chế mới, tức là bỏ đi yêu cầu công bố quốc tế. Ông Đức đánh giá đây là một sự thụt lùi, xóa bỏ hoàn toàn điểm tiến bộ ưu việt nhất của quy chế 2017.
Tiến sĩ là bậc đào tạo cao nhất, 8/8 trong khung năng lực trình độ quốc gia. Theo GS Đức, những ai đã làm tiến sĩ theo đúng nghĩa chân chính và thực chất đều phải chấp nhận và trải qua thử thách trong quá trình học tập để trưởng thành. Nếu chất lượng tiến sĩ yếu kém sẽ để lại hậu quả không chỉ cho giáo dục đại học mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển và hội nhập của đất nước, bởi chất lượng tiến sĩ kéo theo chất lượng giáo sư, phó giáo sư.
Quy chế mới có nhiều cải tiến, nhưng mấu chốt quan trọng, cốt lõi nhất theo GS Đức là chuẩn đầu ra về chuyên môn, ngoại ngữ và hội nhập quốc tế đều thấp hơn. Chính vì vậy, việc cầu thị, tiếp thu sửa đổi quy chế mới vừa ban hành để thực sự góp phần nâng cao chất lượng khoa học công nghệ, chất lượng đội ngũ trí thức Việt Nam là cần thiết.
"Những từ như chất lượng, thực chất, học thật - nhân tài thật, tiên tiến, hiện đại và hội nhập, ngày càng tiến lên là nguyện vọng và khát khao của các thế hệ nhà giáo, nhà khoa học và nhân dân, với mong muốn chấn hưng giáo dục đại học Việt Nam - thiết nghĩ là những từ khóa không thể thiếu trong triết lý xây dựng quy chế đào tạo tiến sĩ trong bối cảnh hiện nay", ông Đức nói.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Lê Văn Út, Trưởng Nhóm nghiên cứu trắc lượng thông tin, Đại học Tôn Đức Thắng, cho rằng có ba vấn đề liên quan trực tiếp đến chất lượng đào tạo tiến sĩ theo quy chế mới là công bố khoa học, chuẩn tiếng Anh, số lượng nghiên cứu sinh được phép hướng dẫn cùng lúc của giáo sư, phó giáo sư. "Các tiêu chí này đều được nới lỏng, trước mắt sẽ góp phần tăng số lượng tiến sĩ được đào tạo, nhưng khó có thể nói sẽ tăng chất lượng", ông Út nói.
Phân tích sâu hơn công bố khoa học, ông Út phản bác ý kiến cho rằng cộng đồng khoa học khó chấp nhận nghiên cứu mang tính đặc thù của Việt Nam như lịch sử Việt Nam, Triết học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh... Nhận định này không đúng với tinh thần khoa học, bởi lẽ nghiên cứu khoa học là không biên giới. Thực tế học giả trên thế giới công bố rất nhiều kết quả nghiên cứu về các lĩnh vực thuộc đặc thù của Việt Nam.
Nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam cần công bố về những đặc thù của đất nước để có thể quảng bá, thông tin và phản biện thêm với học giả quốc tế. Đây là cơ hội vừa nâng cao đẳng cấp khoa học, vừa bảo vệ hình ảnh đất nước. "Việc không có (hoặc có ít) học giả Việt Nam tham gia công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí uy tín của thế giới rất có thể là thiệt thòi cho đất nước trong quá trình đấu tranh cho chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc", ông Út nói.
TS Út cũng không đồng tình với ý kiến chuẩn luận án tiến sĩ cao dễ dẫn đến việc "mua bán" công bố khoa học, vì đã gọi là mua bán thì chuẩn nào cũng có thể. Nguy hiểm hơn, chuẩn càng thấp thì có thể mua bán càng dễ, giá rẻ hơn, nhưng khó phát hiện hơn vì ít bị cộng đồng khoa học quốc tế quan tâm.
Từ những lập luận trên, TS Út cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có thêm chỉ đạo xoay quanh việc đào tạo tiến sĩ. "Bộ có thể tăng cường quyền tự chủ hơn nữa cho các đại học trong việc đào tạo tiến sĩ. Quy chế trên có thể xem là quy định mức tối thiểu, các đại học được phép xây dựng chuẩn riêng, không mâu thuẫn với quy chế của Bộ", ông Út đề xuất.
Ngoài ra, ông Út cho rằng Bộ nên cân nhắc việc đào tạo tiến sĩ ứng dụng (đặc biệt là đối với một số lĩnh vực đặc thù) không nhất thiết phải có các bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trong luận án tiến sĩ. Luận án tiến sĩ có thể chỉ là các kết quả nghiên cứu ứng dụng trong thực tiễn.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), nhấn mạnh quy chế đào tạo tiến sĩ mới này là tiêu chuẩn khung bao gồm các quy định, mức cơ bản để đảm bảo chất lượng đào tạo tối thiểu của một tiến sĩ. Trên cơ sở khung này, các trường căn cứ vào mục tiêu, năng lực đào tạo mà đưa ra các yêu cầu bằng hoặc cao hơn cho việc đào tạo tiến sĩ của mình.
Giai đoạn trước đây, quy chế đào tạo tiến sĩ đã có những đóng góp quan trọng trong việc đặt ra các chuẩn đầu ra nhấn mạnh công bố quốc tế, từ đó tăng cường quản lý chất lượng đào tạo tiến sĩ. Trong giai đoạn mới, nhận thức về sự đa dạng của các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo và sự cần thiết của việc ghi nhận, tiếp tục nâng cao chất lượng công bố trong nước, những thay đổi trong quy chế mới là phù hợp.
Ngày 15/7, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về quy chế đào tạo tiến sĩ sau khi nhận được ý kiến của một số nhà khoa học, nhà giáo.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ nghiên cứu các ý kiến trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc, có hình thức phù hợp để trao đổi khoa học và tiếp thu các ý kiến xác đáng nhằm nâng cao chất lượng, tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ; đối với những ngành đặc thù thì có quy định cho phù hợp, đảm bảo chất lượng.
Dương Tâm - Mạnh Tùng