Tình hình kinh doanh, chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp xăng dầu là một trong những điểm nhấn đáng chú ý tại báo cáo vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố sáng 25/7 về niên độ ngân sách 2011.
Theo Kết quả kiểm toán tại Công ty Dầu khí TP HCM (Saigon Petro), doanh nghiệp đã xây dựng mức thù lao cho đại lý, tổng đại lý không có cơ sở. Ông Lê Minh Khái - Phó tổng kiểm toán Nhà nước - cho biết, mức thù lao cho đại lý của SaiGon Petro có chênh lệch lớn giữa các giai đoạn, khác biệt giữa các khách hàng và chưa đúng với quy định chung.
Trong khi đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lại áp dụng tỷ giá để tính giá cơ sở sai quy định. Theo Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp phải sử dụng tỷ giá bán bình quân của các ngân hàng thương mại mà thương nhân đầu mối giao dịch để tính giá cơ sở. Tuy nhiên, Petrolimex lại tính theo tỷ giá của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Phó tổng kiểm toán Lê Minh Khái cho hay, rất khó để xác định mức chênh lệch giá khi làm sai quy định trong trường hợp này, tuy nhiên, theo ông tác động không quá lớn do tỷ giá tại các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước quy định trong biên độ nhất định.
Chính sách điều hành và giá bán xăng dầu cũng như việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước cũng còn nhiều bất cập. "Giai đoạn kinh doanh lỗ nhưng vẫn phải trích quỹ bình ổn, nhiều thời điểm quỹ không còn số dư nhưng vẫn phải sử dụng quỹ", Kiểm toán Nhà nước dẫn chứng. Ngoài ra, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ, việc thay đổi mức trích, chi quỹ bình ổn giá không hoàn toàn bám sát sự biến động giá của thị trường nên doanh nghiệp bị động và mất nhiều thời gian để tính toán số liệu theo từng chu kỳ. "Cấp hạn mức nhập khẩu xăng dầu theo năm có thể dẫn tới tình trạng thị trường mất cân đối nguồn cung cấp xăng dầu trong ngắn hạn", Kiểm toán Nhà nước lo ngại.
Việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn nhiều vấn đề nhưng Kiểm toán Nhà nước vẫn cho rằng nên tiếp tục duy trì quỹ này. "Đây là giải pháp phù hợp trong điều kiện chuyển dần sang giá thị trường để ổn định giá và không gây biến động lớn. Cơ chế này rất phù hợp nhưng cần vận hành công khai, minh bạch", đại diện Kiểm toán Nhà nước trao đổi với báo chí.
Tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm toán, ông Lê Minh Khái cũng cho biết năm nay cơ quan này đã chuyển sang cơ quan điều tra 5 vụ việc sau khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng. Đầu tiên là vụ Ban quản lý dự án của Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Hưng Yên quyết toán khống khối lượng tại 2 công trình cấp nước liên xã. Vụ thứ hai được ông Khái tiết lộ là sự việc Công ty Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh (thuộc Vinafood 1) ứng tiền sai quy định để mua gạo, thứ ba là những sai phạm tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khi cho vay vốn tại Công ty tài chính 2 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam. Hai vụ còn lại đã được chuyển sang cơ quan công an là sai phạm tại Công ty Bê tông Xây dựng Vinaconex Xuân Mai và việc quản lý sử dụng vốn tại Công ty tài chính Sông Đà.
Lâu nay, nhiều ý kiến vẫn cho rằng vẫn còn tình trạng "giơ cao đánh khẽ" sau khi Kiểm toán Nhà nước công bố kiến nghị xử lý sai phạm. Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2011, ông Lê Minh Khái cho biết, đến cuối năm 2012 đã xử lý tài chính được gần 72% trên tổng số kiến nghị. Bản thân vị lãnh đạo này cũng thừa nhận: "Hàng năm, việc thực hiện kiến nghị có tăng lên nhưng vẫn chưa như mong muốn. Việc xử lý tài chính chậm trễ đôi khi còn do tình hình tài chính khó khăn, các đơn vị chưa thể nộp lại", ông Khái cho hay.
Riêng với lĩnh vực tài chính ngân hàng, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết năm nay sẽ tiếp tục kiểm toán tại Vietcombank, Vietinbank, Agribank. "Vẫn sẽ có những đánh giá như mọi năm nhưng lần này sẽ đi sâu vào tình hình nợ xấu. Kiểm toán sẽ cho ra con số nợ xấu đến cuối năm 2012", Phó tổng kiểm toán cho hay.
Thanh Thanh Lan