Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho biết, Bộ Tài chính vừa cắt giảm hai phần ba lợi nhuận định mức của doanh nghiệp, tức trước đây doanh nghiệp được hưởng 300 đồng nay chỉ còn 100 đồng mỗi lít xăng dầu thì các khoản chi phí cho đại lý cũng bị cắt giảm theo.
"Việc giảm lợi nhuận định mức sẽ khiến doanh nghiệp phải giảm thù lao cho đại lý", ông nói.
Cụ thể, vào tuần trước, khi nhà điều hành chưa cho tăng giá, doanh nghiệp ông bị lỗ nên phải cắt giảm thù lao cho đại lý từ 600 đồng xuống còn 450 đồng mỗi lít. Đến khi xăng dầu tăng giá và tạm thời hòa vốn, đáng lẽ doanh nghiệp sẽ tăng thù lao cho đại lý nhưng vì lợi nhuận định mức giảm nên việc này bị "hoãn lại”.
"Tăng giá thì mình có thể tăng thù lao lên nhưng do lợi nhuận định mức giảm, doanh nghiệp mới chỉ hòa vốn nên vẫn để thù lao như vậy", vị này chia sẻ.
Chủ một cây xăng của Dầu khí tại Hà Nội cũng xác nhận hiện thù lao cho đại lý không tăng mà còn bị giảm xuống. Tuy nhiên, ông cũng cho biết mức giảm với đại lý của ông là “không nhiều”.
Theo đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, việc giảm thù lao cho đại lý khiến họ kêu ca và làm ăn “lơ là” hơn, thậm chí có một số trường hợp còn ngừng bán hàng hoặc bán nhỏ giọt.
"Chí phí thực tế tối thiểu phải cho đại lý khoảng 500 đồng một lít, bao gồm cả cước phí vận chuyển thì họ mới tổ chức kinh doanh được. Nếu để thấp quá thì cây xăng, nhất là tư nhân sẽ không có lãi", ông cho hay.
Tại TP HCM, một số cây xăng cho biết, giá nhiên liệu vừa điều chỉnh và các đầu mối đã tăng thêm hoa hồng cho mình nhưng vẫn thấp hơn 500 đồng mỗi lít.
Chủ một cây xăng ở huyện Hóc Môn cho hay, trước thời điểm xăng tăng giá, hoa hồng công ty đầu mối cho cây xăng là 385 đồng một lít xăng, 435 đồng một lít dầu. Sau khi tăng giá, mỗi lít xăng - dầu được thêm 100 đồng.
"Hiện xăng chúng tôi được 485 đồng một lít, dầu là 535 đồng. Tuy nhiên, ngay khi vừa dễ thở một chút thì đơn vị vận chuyển đã thông báo tiền vận chuyển mỗi lít xăng tăng từ 100 đồng lên thành 110 đồng", chủ trạm xăng nói.
Theo đó, nếu trừ chi phi vận chuyển, hoa hồng cho xăng chỉ còn 375 đồng mỗi lít, con số này vẫn gây rất nhiều khó khăn cho đại lý. Thông thường, nếu trừ chi phí vận chuyển, hoa hồng phải đạt 400 đồng mới "đủ sống", chủ cây xăng phân tích.
Đại diện cây xăng có 12 nhân viên, bán được 9.000 lít mỗi ngày này cho hay vừa phải thuê thêm 2 nhân viên để phục vụ khách ngày càng đông. Chi phí tăng trong khi tiền khấu hao đầu tư vẫn phải tính hàng tháng... nên hoa hồng èo uột thế này khiến ông "đứng ngồi không yên".
Chị Thanh, chủ một trạm xăng ở quận Gò Vấp cho biết gần một tuần trước thời điểm xăng tăng giá, hoa hồng của một đầu mối cho chị giảm từ 600 đồng xuống còn 380 đồng mỗi lít. Sau khi xăng lên ngày 17/7, con số này vẫn giữ nguyên một vài ngày, đến hôm qua mới được thêm 100 đồng thành 480 đồng một lít xăng.
"Đầu mối cho bao nhiêu thì mình chấp nhận vậy, chẳng biết kêu ai, tiền vận chuyển thì lên vì họ nói phải đóng phí đường bộ cao quá, rồi tiền qua các trạm thu phí... Ngoài 110 đồng vận chuyển, còn phải tính thêm 150 đồng mỗi lít tiền điện nước... thực tế cây xăng không còn lại bao nhiêu", chị Thanh phân tích.
Trạm xăng của chị Thanh với 4 trụ, mỗi ngày chỉ bán được hơn 2.000 lít, do tình hình kinh doanh khó khăn thời gian qua nên để tiếp tục duy trì, chị phải góp vốn đầu tư thêm nhà hàng để kiếm ngược tiền nuôi lại cây xăng. "Làm xăng dầu bây giờ khó quá, nếu không biết tính, làm thêm nghề tay trái thì không cầm cự nổi", chị nói.
Kiên Cường - Huyền Thư