Trước khi Tổng thống Joe Biden tới Nhật Bản dự hội nghị thượng đỉnh G7 cuối tuần trước, Nhà Trắng thông báo ông sẽ kết hợp công du ba nước trong dịp này, gồm Nhật Bản, Papua New Guinea và Australia. Đây được coi là một phần trong nỗ lực của ông Biden nhằm tập hợp đồng minh và đối tác trong khu vực nhằm ứng phó với ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc.
Nhưng khi ông Biden lên chuyên cơ từ Hiroshima, Nhật Bản để trở về Mỹ ngày 21/5, sớm hơn 4 ngày so với kế hoạch, rõ ràng mục tiêu đó đã bị lu mờ, khi hàng loạt vấn đề chính trị nảy sinh đã phủ bóng chương trình nghị sự của ông.
Ngay từ khi đặt chân tới Nhật, ông Biden luôn phải đối mặt với những câu hỏi từ giới phóng viên tới các lãnh đạo thế giới khác về cuộc khủng hoảng trần nợ ở Washington, vốn có nguy cơ làm đảo lộn nền kinh tế toàn cầu.
Vấn đề đó thu hút nhiều chú ý hơn những kết quả mà ông Biden đạt được để thuyết phục các lãnh đạo G7 nhất trí về một tuyên bố chung cảnh báo Trung Quốc về hoạt động "quân sự hóa" ở Biển Đông và phản đối "mọi hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc biện pháp cưỡng ép".
Đây là những tuyên bố mạnh mẽ nhất của G7 nhắm vào Trung Quốc, kể từ khi nhóm này lần đầu tiên đề cập tới Bắc Kinh trong tuyên bố chung trong hội nghị cách đây hai năm ở Anh. Tuy nhiên, ông Biden đã bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy quan điểm đó khi phải hủy lịch trình thăm Papua New Guinea và Australia để trở về Mỹ giải quyết vấn đề trần nợ công, theo bình luận viên Tyler Pager và Matt Viser của WP.
Trong lần xuất hiện cuối cùng tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima ngày 21/5, ông Biden đã bắt đầu với vấn đề khiến ông phải cắt ngắn lịch trình công du châu Á: cuộc khủng hoảng trần nợ.
"Trước khi chuyển sang phần công việc quan trọng mà chúng ta phải hoàn thành tại G7, tôi muốn dành vài phút để đề cập tới các cuộc đàm phán ngân sách mà tôi cần sớm về nước để giải quyết", ông nói.
Tổng thống Mỹ sau đó nói kỹ hơn về các cuộc đàm phán, chỉ trích đảng Cộng hòa vì không chịu thay đổi "lập trường cực đoan", ca ngợi những nỗ lực của chính quyền để cắt giảm chi phí và cố gắng tìm kiếm những lỗ hổng trong lập luận về cắt giảm ngân sách của đảng Cộng hòa.
Đây không phải tình huống lạ lẫm với ông Biden. Những vấn đề chính trị trong nước thường xuyên làm lu mờ các chuyến công du nước ngoài và nỗ lực tập trung cho các ưu tiên toàn cầu của Tổng thống Mỹ. Hội nghị G7 năm ngoái diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tòa án Tối cao Mỹ hủy phán quyết về quyền phá thai, làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình phản đối ở nước này.
Năm nay, việc đảng Cộng hòa và Dân chủ chưa thể đạt thỏa thuận nâng trần nợ, giới hạn vay của chính phủ để thanh toán các hóa đơn và nghĩa vụ hiện tại, khiến thị trường tài chính và các lãnh đạo nước ngoài lo sợ. Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo nếu khủng hoảng trần nợ không thể giải quyết, Mỹ sẽ đối mặt nguy cơ vỡ nợ vào ngày 1/6 và có thể tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu.
Ông Biden liên tục đối mặt với những câu hỏi về bế tắc trần nợ từ khi hạ cánh xuống Nhật Bản ngày 18/5 cho đến lúc rời đi vào ngày 21/5. "Các quốc gia đều muốn biết cuộc đàm phán của chúng tôi sẽ diễn ra như thế nào?", Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden, nói.
Ban đầu ông Biden đã cố gắng phớt lờ vấn đề này. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Fumio Kishida, ông Biden không trả lời câu hỏi về đàm phán trần nợ ở Mỹ. Nhưng cuối cùng, ông đã phải giải đáp các thắc mắc, nói rằng ông lạc quan về một thỏa thuận mà phe Dân chủ và Cộng hòa có thể đạt được để nâng trần nợ công.
"Tôi vẫn tin rằng chúng tôi có thể tránh nguy cơ vỡ nợ", ông nói trước cuộc gặp với Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngày 20/5.
Tổng thống Mỹ liên tục được cập nhật thông tin về tình hình đàm phán giữa Nhà Trắng và quốc hội trong suốt chuyến công du. Nhà Trắng ngày 19/5 đăng ảnh ông Biden cùng các trợ lý tham gia cuộc họp qua Zoom với nhân viên ở Washington về cuộc đàm phán với phe Cộng hòa. Nhưng khi ông vắng mặt, nỗ lực đàm phán ở Washington vẫn rơi vào bế tắc.
Các nghị sĩ Cộng hòa đã tạm ngừng đàm phán ngày 19/5, đổ lỗi cho Nhà Trắng vì không đồng ý cắt giảm chi tiêu liên bang. Cuộc đàm phán được nối lại vài giờ sau đó, nhưng không đạt được kết quả.
Ngày 20/5, các nghị sĩ Cộng hòa từ chối đề nghị của Nhà Trắng về hạn chế chi tiêu trong năm tới cho các chương trình quân sự và loạt hoạt động khác. Cuối ngày hôm đó, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nói ông nghĩ rất khó để nối lại đàm phán cho tới khi ông Biden trở về Mỹ.
Ông Biden không phải tổng thống Mỹ đầu tiên phải đối mặt với rắc rối trong nước khi công du nước ngoài. Tổng thống Barack Obama từng phải hủy chuyến thăm Indonesia và Brunei năm 2013 vì các cuộc đàm phán ngân sách gặp khó khăn. Tổng thống Bill Clinton cũng từng phải hủy chuyến công du Nhật Bản năm 1995 vì vấn đề trần nợ.
Trong chuyến công du gần đây tới Ireland, ông Biden đối mặt với vụ rò rỉ tài liệu mật và những câu hỏi liệu ông có tái tranh cử tổng thống hay không, khiến các ưu tiên về chính sách đối ngoại của ông bị lu mờ.
Trong chuyến công du Nhật Bản vào tháng 5/2022, Tổng thống Biden vui mừng với những tiến triển trong quan hệ giữa Mỹ với khu vực Đông Bắc Á. Nhưng trong hành trình ông bay về Mỹ, bầu không khí hân hoan chùng xuống khi vụ xả súng kinh hoàng xảy ra tại trường tiểu học Uvalde, bang Texas, khiến 19 học sinh và hai giáo viên thiệt mạng.
Vấn đề chính trị trong nước tiếp tục đeo bám ông Biden đến những giờ phút cuối cùng trong chuyến công du tới Nhật cuối tuần qua. Ngay khi bước chân lên chuyên cơ Không lực Một để rời Nhật Bản về Mỹ ngày 21/5, ông đã yêu cầu thu xếp cuộc gọi với Chủ tịch Hạ viện để tìm cách tháo gỡ nguy cơ vỡ nợ của nước Mỹ.
"Tôi hy vọng rằng Chủ tịch Hạ viện McCarthy chỉ chờ đợi để đàm phán với tôi khi tôi trở về Mỹ", ông nói trên máy bay.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)