Tuần trước, nhà sản xuất máy tính Sun Microsystems thông báo 3.300 nhân viên sẽ bị thất nghiệp, đồng thời với việc hóa giải mối thâm thù với đối thủ Microsoft. Cũng trong tháng 4, hãng máy tính Gateway tuyên bố đóng cửa tất cả cửa hàng bán lẻ và sa thải 2.500 lao động.
Cả Sun và Gateway đều nhiều lần cắt giảm nhân viên kể từ thời kỳ khủng hoảng công nghệ năm 2000. Họ tiết lộ sẽ phải có những thay đổi nữa trong hoạt động kinh doanh của mình. Và một số hãng công nghệ khác cũng chung quan điểm này.
Công ty dịch vụ công nghệ EDS đang trong quá trình tái cơ cấu bằng việc sẽ cho thôi việc 5.200 người và tiết kiệm 250 triệu USD chi phí từ nay đến năm 2005. "Chúng tôi sẽ phải cắt giảm mọi khoản chi phí và tăng năng suất lao động", phát ngôn viên Liz Bonet nhấn mạnh.
Nhà cung cấp dịch vụ Internet Earthlink cũng vừa sa thải 1.300 nhân công (40% số nhân viên). "Công ty đang cố gắng hết sức để làm sao tăng thêm lợi nhuận", người phát ngôn Dan Greenfield tiết lộ.
3Com là hãng có nhiều thay đổi lớn suốt 4 năm qua. Nhà sản xuất thiết bị mạng đã cho ngừng hoạt động hoặc bán đi một số bộ phận, trong đó có Palm và U.S. Robotics. Tổng số nhân viên của công ty đã giảm từ 10.600 năm 2000 xuống chỉ còn 2.100 người hiện tại. Giám đốc tài chính của 3Com, Mark Slaven, cho biết chi phí sắp xếp lại hoạt động trong quý gần đây của hãng lên tới 40 triệu USD.
Năm nay, Redback Networks hoàn tất kế hoạch cải tổ công ty, trong đó bao gồm việc tuân thủ các điều khoản trong Chương 11 của luật bảo vệ phá sản, đồng thời phân bổ lại tỷ lệ cổ phiếu. Theo Giám đốc điều hành Kevin DeNuccio, công ty đang dần hồi phục sau một giai đoạn khủng hoảng "chưa từng có trong lịch sử".
Giới phân tích nhận định những hình thức tái cơ cấu hoạt động của các hãng công nghệ đã cho thấy cơn sốt dotcom vẫn đeo đẳng và tốc độ hồi phục là rất chậm, nguyên nhân một phần do các doanh nghiệp đều đánh giá thấp mức độ ảnh hưởng của đợt khủng hoảng này.
Marcus Blosch, phân tích gia của Gartner, cho biết năm nay, chi phí cho công nghệ thông tin sẽ tăng 1,4% - tỷ lệ này kém xa so với thời kỳ cực thịnh của ngành. Giáo sư Wally Scott của Đại học Northwestern (Mỹ) cho rằng các công ty công nghệ hiện nay phải điều chỉnh lại mọi thứ, từ những rủi ro về vấn đề bảo mật tới việc thuê gia công. "Những thay đổi lớn trong một công ty sẽ giúp mọi việc trở nên trôi chảy hơn", ông nói.
Tuy nhiên, mặt trái của việc tái cơ cấu kéo dài, theo giáo sư Scott, là tình trạng khủng hoảng tinh thần trong nhân viên khi họ luôn nơm nớp rằng mình sẽ bị đuổi việc, còn khách hàng có thể "cao chạy xa bay". Sự thay đổi liên tục cũng có thể dẫn đến lộn xộn, gây khó khăn trong việc ổn định sau này.
Thanh Tú (theo USA Today)