Trạm Y tế Quốc tế Quảng Châu, khu phức hợp đồ sộ gồm các dãy nhà ba tầng màu xám, được xây dựng theo phong cách truyền thống Trung Quốc trên khu đất có diện tích tương đương 46 sân bóng đá. Công trình được hoàn thiện sau chưa đầy ba tháng thi công ở ngoại ô thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông.
Cơ sở cách ly 5.000 phòng này sẽ thay thế các khách sạn cách ly ở Quảng Châu, đón tiếp người dân Trung Quốc hồi hương và người nước ngoài nhập cảnh, trong nỗ lực ngăn chặn Covid-19 từ các ca ngoại nhập lây lan trong cộng đồng.
Người về từ nước ngoài khi tới sân bay sẽ được đưa thẳng lên xe buýt chở đến Trạm Y tế Quốc tế Quảng Châu và cách ly tại đây ít nhất hai tuần. Mỗi phòng đều trang bị hệ thống liên lạc video và nhiệt kế hoạt động bằng trí tuệ nhân tạo, cùng ba bữa cơm mỗi ngày do robot phân phát. Tất cả những biện pháp này nhằm giảm tiếp xúc giữa người cách ly với nhân viên trung tâm.
"Đây là trung cách ly hiện đại nhất thế giới, sử dụng công nghệ cao tinh vi", Yangzhong Huang, thành viên cấp cao về y tế toàn cầu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức tư vấn phi lợi nhuận ở Mỹ, nói.
Trạm Y tế Quốc tế Quảng Châu là cơ sở đầu tiên của mô hình này ở Trung Quốc. Các chuyên gia nhận định sẽ còn nhiều cơ sở nữa được mở, trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược "không Covid".
Đông Quan, một trung tâm sản xuất lớn cách Quảng Châu khoảng một giờ lái xe, đang xây dựng "một trạm y tế quốc tế" quy mô 2.000 phòng. Xa hơn về phía nam, trung tâm công nghệ Thâm Quyến cũng đang lên kế hoạch xây dựng công trình tương tự.
"Đây không phải là giải pháp tình thế. Giới chức Trung Quốc tin rằng phải mất một thời gian nữa đại dịch mới chấm dứt và Trung Quốc sẽ tiếp tục kiểm soát nghiêm ngặt biên giới", Huang nói. "Những cơ sở như thế này là cách cụ thể hóa chiến lược không Covid".
Trong hơn 18 tháng qua, Trung Quốc đóng biên với đa số người nước ngoài. Người được phép nhập cảnh cũng như công dân Trung Quốc trở về phải cách ly bắt buộc tại khách sạn ít nhất hai tuần, sau đó là một tuần tại khu cách ly tập trung hoặc ở nhà, kể cả người đã tiêm chủng đầy đủ.
Nhưng nCoV vẫn nhiều lần tấn công hệ thống phòng thủ của Trung Quốc. Hồi tháng 5, biến chủng Delta gây bùng dịch ở tỉnh Quảng Đông, bao gồm Quảng Châu và Thâm Quyến. Khi đó, Quảng Đông tiếp nhận 90% người nước ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc, với 30.000 người cách ly tại 300 cơ sở tập trung hàng ngày.
Cuối tháng 6, Quảng Đông ngăn chặn đợt bùng phát dịch thành công, nhưng giới chức cho rằng những biện pháp chống dịch hiện thời là chưa đủ. Zhong Nanshan, cố vấn y tế hàng đầu của chính phủ, lúc đó tuyên bố Quảng Châu phải xây dựng một cơ sở kiểm dịch tập trung cho toàn bộ người về từ nước ngoài để đảm bảo cách ly nghiêm ngặt hơn.
Dự án nhanh chóng khởi công với hơn 4.000 công nhân làm việc ngày đêm. Cơ sở cách ly được khánh thành hồi đầu tháng 9 và 184 nhân viên y tế đã chuyển vào tuần trước để chuẩn bị cho trung tâm đi vào hoạt động.
Họ đối mặt nhiệm vụ khó khăn phía trước. Khu phức hợp thiết kế như một bong bóng biệt lập với toàn bộ thành phố, nghĩa là không chỉ người nhập cảnh, mà cả nhân viên cũng phải ăn ở tại chỗ. Nhân viên y tế sẽ làm việc 28 ngày trong cơ sở, sau đó tự cách ly một tuần và tiếp tục hai tuần cách ly tại nhà trước khi được phép ra ngoài.
Trung Quốc đưa ra động thái thắt chặt kiểm dịch với người nhập cảnh trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia bắt đầu mở cửa. Tuần trước, Mỹ tuyên bố giảm hạn chế với khách nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ từ tháng 11.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, ngày càng nhiều người kêu gọi chính quyền siết kiểm dịch với người về từ nước ngoài. Nhiều người Trung Quốc hồi hương bị chỉ trích vì mang virus về nước, nhất là sau đợt bùng phát mới nhất ở tỉnh Phúc Kiến.
Chuyên gia y tế ban đầu xác định một người đàn ông từ Singapore về Phúc Kiến hơn một tháng trước là nguồn lây, dù người này đã hoàn thành cách ly 21 ngày, xét nghiệm âm tính 9 lần.
Họ sau đó bác bỏ giả thuyết trên, cho hay người này có khả năng nhiễm virus trong quá trình cách ly tập trung. Nhưng tuyên bố đó cũng không xoa dịu được yêu cầu siết quy định cách ly của dư luận trong nước.
Trung Quốc hướng đến kiểm dịch chặt chẽ hơn dù đạt được bước tiến lớn trong chiến dịch tiêm chủng toàn dân. Hồi đầu tháng, chính quyền thông báo đã tiêm chủng đầy đủ cho một tỷ người bằng vaccine nội địa, tương đương 71% của dân số 1,4 tỷ người, tỷ lệ cao so với nhiều quốc gia đang mở cửa biên giới.
Cơ sở cách ly mới của Quảng Châu mở cửa đúng thời điểm Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc chuẩn bị khai mạc vào 15/10. Đây là hội chợ thương mại lớn nhất Trung Quốc được tổ chức hai năm một lần, thường xuyên thu hút hàng chục nghìn công ty từ khắp nơi trên thế giới.
Hội chợ lần này đánh dấu sự trở lại của một sự kiện thương mại tổ chức trực tiếp, nhưng chỉ giới hạn với các nhà xuất khẩu và đối tác có trụ sở tại Trung Quốc. Giới chức Quảng Châu tăng cường yêu cầu kiểm dịch với toàn bộ người từ nước ngoài nhập cảnh, kéo dài thời gian cách ly bắt buộc từ 14 lên 21 ngày.
Huang cho rằng dù quy mô lớn, Trạm Y tế Quốc tế Quảng Châu vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu cách ly. "Hãy nghĩ xem, một chuyến bay quốc tế thường chở 300 người. Ai cũng cần cách ly ít nhất 21 ngày. Trung tâm sẽ nhanh chóng bị lấp đầy", Huang nói.
Hồng Hạnh (Theo CNN)