Gia đình tôi hiện chạy ăn từng bữa nên không biết khi nào mới trả được khoản nợ này. Tôi xin hỏi, nếu bố tôi không trả nổi thì có phải đi tù không?
Luật sư trả lời
Theo điều 299, 303, khoản 7 Điều 323 Bộ luật Dân sự 2015, khi khoản vay đến hạn mà người vay không trả được (gồm tiền nợ gốc, tiền lãi...), ngân hàng có quyền tiến hành các hoạt động hợp pháp để thu hồi nợ theo trình tự đã được quy định trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp hoặc theo quy định của pháp luật.
Các hoạt động thu nợ thường là kê biên, đấu giá tài sản đảm bảo hoặc khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Về trách nhiệm pháp lý của người vay khi đến hạn mà không trả được nợ, pháp luật quy định: Người vay sử dụng đúng mục đích vay đã được quy định trong hợp đồng tín dụng nhưng sau đó vì lý do khách quan mà lâm vào tình trạng khó khăn, mất khả năng trả các khoản nợ đến hạn thì đây chỉ là tranh chấp dân sự (tranh chấp kinh doanh thương mại). Hành vi không trả nợ không phải là tội phạm.
Trường hợp người vay dùng thủ đoạn gian dối để vay tiền ngân hàng và chiếm đoạt số tiền đó (như làm giả chứng minh nhân dân, làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô...,) có thể bị xem xét về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Trường hợp người vay sau khi nhận được tiền đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt số tiền đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc đã sử dụng số tiền vay được vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì có thể bị xem xét về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự.
Đối chiếu với các quy định nói trên, nếu bố bạn không có các hành vi gian dối khi vay tiền, sử dụng tiền vay đúng mục đích nhưng vì một lý do nào đó mất khả năng thanh toán thì đây chỉ là tranh chấp dân sự. Ông sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội