Luật sư trả lời
Trước tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19, nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh bị thiệt hại nặng nề do phải đóng cửa, ngừng hoạt động, Nhà nước đã có nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng.
Ngày 13/3, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona.
Điều 5 nêu: "Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19".
Thực hiện Thông tư 01, nhiều ngân hàng thương mại đã miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của Covid-19. Bạn cần liên hệ với ngân hàng cho vay để đề nghị được hưởng chính sách miễn, giảm lãi, phí theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, Chính phủ đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội gói hỗ trợ để giúp khoảng 20 đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch. Trong đó có sáu nhóm đối tượng được Chính phủ đề nghị hỗ trợ trong thời gian 3 tháng, đặc biệt, hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng được hỗ trợ một triệu đồng/hộ/tháng.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Quốc Bảo
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội.