BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết các quan điểm sai lầm khi xử trí vết thương do động vật cắn còn phổ biến, như: uống thuốc đông y, đắp lá, bôi thuốc cho vết thương nhanh lành; tiêm chủng gây mất sữa, không thể cho con bú hoặc giảm trí nhớ và tuổi thọ...
Hồi tháng 3 và tháng 6, hai trẻ ở Gia Lai tử vong sau khi bị chó cắn. Trong đó một trẻ chỉ rửa và khâu vết thương ở cơ sở y tế, trẻ còn lại được cho dùng thuốc đông y. Còn Đắk Lắk hôm 7/7 ghi nhận một phụ nữ 36 tuổi tử vong sau 7 tháng bị chó cắn vào ngón tay.
Cao Bằng ghi nhận một phụ nữ 35 tuổi tử vong sau khi bị chó cắn vào cẳng chân phải. Người nhà cho biết chị sợ vaccine làm mất sữa cho con bú nên không tiêm phòng, chỉ đi khám thầy lang.
Bộ Y tế thống kê trên toàn quốc giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm có 76 người chết vì bệnh dại. Ngoài lý do vaccine, quản lý chó mèo lỏng lẻo, tỷ lệ tiêm chủng cho vật nuôi thấp góp phần tăng số ca mắc.
Theo BS Chính, hiện các bài thuốc đông y không được công nhận hiệu quả chữa bệnh. Các biện pháp cạo da hoặc dùng thuốc lá để bôi vào vết thương làm tăng nguy cơ nhiễm trùng dẫn đến hoại tử, cắt bỏ chi.
Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tỷ lệ tử vong gần 100% do không tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị chó, mèo cắn, cào. Quá trình ủ bệnh phức tạp, phần lớn thời gian vòng 7 đến 10 ngày hoặc kéo dài vài năm gây khó kiểm soát, theo dõi và điều trị.
Do đó, BS Chính cho rằng mọi người cần hiểu đúng về vaccine và tiêm chủng. Người bị chó mèo cắn và tiêm phòng đúng phác đồ sẽ giảm nguy cơ tử vong. Vaccine dại có hiệu quả cao, không ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần kinh của người dùng.
Quy trình xử trí gồm hai giai đoạn. Đầu tiên, mọi người rửa vết thương bằng nước xà phòng dưới vòi nước sạch chảy liên tục, trong 10 đến 15 phút; tiếp tục sát trùng vết thương với cồn 70% hoặc cồn iốt. Tiếp theo, nạn nhân đến cơ sở y tế để điều trị và tiêm phòng càng sớm càng tốt.
"Người dân tránh tâm lý chỉ tiêm một mũi vaccine là xong. Liệu trình tiêm chủng đối với người chưa từng tiêm vaccine bao gồm 5 mũi vào các ngày 0-3-7-14-28 (đối với đường tiêm bắp) hoặc 4 mũi vào các ngày 0-3-7-28 (đối với đường tiêm trong da). Trường hợp phơi nhiễm độ III cần phối hợp tiêm huyết thanh kháng dại", BS Chính nói.
Ngoài ra, theo BS Chính, những người nguy cơ cao có thể tiêm vaccine phòng bệnh dại trước khi bị con vật cắn. Việc này có nhiều lợi ích khi chỉ cần tiêm 3 mũi vaccine, mọi người đã có miễn dịch với bệnh. Nếu bị chó mèo cắn sau tiêm, dù vết thương nặng, mọi người chỉ cần chích ngừa thêm 2 mũi, không cần dùng huyết thanh kháng dại.
Sau tiêm chủng, mọi người tránh làm việc quá sức, không uống rượu và các chất kích thích, thuốc ức chế miễn dịch hoặc xin ý kiến của bác sĩ điều trị trong trường hợp đặc biệt.
Chi Lê
Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đang có hai loại vaccine phòng dại thế hệ mới gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Những vaccine này đã được kiểm định an toàn, khả năng đáp ứng miễn dịch cao sau khi tiêm đủ liều. |