Tại hội nghị tổng kết ngành ngày 9/1, những hạn chế trong xuất khẩu cũng được Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh nhận diện. Một số nông sản quá dựa vào hình thức trao đổi cư dân nên luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc tại cửa khẩu kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại qua biên giới. Năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa cao...
Hiện tỷ lệ xuất khẩu tiểu ngạch chiếm khoảng 70% hàng sang Trung Quốc. Phó thủ tướng Lê Văn Thành, đại diện Chính phủ tham dự hội nghị tổng kết, đánh giá tỷ lệ này gây rủi ro lớn cho người sản xuất. Ông yêu cầu ngành Công Thương phối hợp với nông nghiệp tìm cách giảm tỷ lệ này xuống.
"Trung Quốc thực hiện chiến lược 'zero Covid', nên lúc mở, lúc đóng biên giới, cửa khẩu. Ngành Công Thương phải có cách căn cơ, toàn diện để tăng tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân không để bị động như hiện nay", Phó thủ tướng nói.
Ông nói thêm, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, nhất là các thị trường tiềm năng, truyền thống và có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Về phía ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị liên Bộ Công Thương - Nông nghiệp cùng đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ, chuyển dần sang sản xuất vật tư nông nghiệp sinh học, thân thiện môi trường. Cùng đó là tập trung xây dựng các đề án xuất khẩu nông sản sang từng thị trường có tiềm năng.
Ông nêu bài học làm thị trường tại EU được các đại sứ châu Âu chia sẻ kinh nghiệm. Một số nông sản sang thị trường này nhưng chủ yếu mới hiện diện ở các siêu thị nhỏ của người gốc Á, chưa vào được chuỗi phân phối lớn. Do đó, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc xuất khẩu vào thị trường này cần chuyên nghiệp hóa.
"Nếu tiếp tục thế này, dù năm 2021 nông nghiệp đạt gần 49 tỷ USD, nhưng chưa nói lên điều gì về bền vững trong xuất khẩu, cần có sự tham gia của các cơ quan liên quan để thành lập các liên minh xuất khẩu cho từng thị trường", ông Hoan nói và nhấn mạnh sự đồng hành của ngành Công Thương trong xây dựng đề án chuyên sâu từ xúc tiến thị trường, văn hoá thị trường...
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cũng góp ý, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành trong việc thực thi phối hợp, triển khai các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, quảng bá hàng hóa, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.
Quy hoạch điện VIII làm "chậm, nhưng phải chắc"
Đề cập tới các ngành sản xuất công nghiệp như điện, than, dầu khí, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2021, ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của người dân. 8 dự án nguồn điện với tổng công suất gần 4.350 MW đã được đưa vào vận hành năm qua. Ngành điện cũng giảm giá, giảm tiền điện lên tới 17.000 tỷ đồng cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Quy hoạch điện lực đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (quy hoạch điện VIII) cũng đang được bộ này gấp rút hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền.
Còn với dầu khí, ngành này cũng về đích trước kế hoạch, đóng góp 75.400 tỷ đồng vào ngân sách. Ngành than cũng đã nỗ lực vượt qua khó khăn cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2021.
Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, việc xây dựng các quy hoạch điện, quy hoạch năng lượng còn chậm; cơ chế điều hành giá điện, đặc biệt là giá FIT với năng lượng tái tạo còn bất cập. Ông yêu cầu Bộ Công Thương rà soát kỹ lưỡng để hoàn thiện nội dung này.
Phân tích thêm, ông Thành nói với quy hoạch điện đã trực tiếp làm việc với Bộ Công Thương tới 20 cuộc họp, rà soát lại cho thấy có những vấn đề chưa hợp lý, như dự kiến đầu tư truyền tải lớn, cơ cấu nguồn điện chưa phù hợp...
Ông dẫn chứng là hiện tỷ lệ năng lượng điện mặt trời nhiều, lên tới 17.000 MW, chiếm 22% tổng công suất nguồn điện, trong khi công suất vận hành thực tế hệ thống điện dao động 40.000 - 43.000 MW. Khi điện mặt trời đưa vào, nguồn khác giảm lại gây ra nguy cơ sụt giảm công suất.
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong khi tổng công suất nguồn điện đang cao so với nhu cầu, cần phải rà soát giảm, thì nhiều địa phương, doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị bổ sung quy hoạch nhiều dự án nguồn điện khí LNG, điện gió, điện mặt trời với tổng công suất lên tới 283.000 MW.
Dự kiến quy hoạch chung là 140.000 MW, nên để đảm bảo tính khoa học, hiệu quả tổng thể và an toàn hệ thống, quy hoạch điện VIII khó có thể đáp ứng hết nhu cầu của các doanh nghiệp, các địa phương.
"Tôi rất trăn trở vấn đề này. Quy hoạch điện, điều phối điện rất quan trọng, đòi hỏi tính toán sâu, kỹ càng. Làm chậm nhưng phải làm cho chắc, tránh việc đầu tư phát sinh đường dây, cơ cấu nguồn điện chưa hợp lý", ông Thành nêu quan điểm.
Phó thủ tướng cũng nhắc lại yêu cầu "dứt khoát không để thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân".
Để đạt mục tiêu này các công trình nguồn điện, chính sách về phát triển thị trường điện cạnh tranh, năng lượng tái tạo... cần đẩy mạnh, vừa đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, vừa chuyển đổi công nghệ sản xuất và thực hiện cam kết của Chính phủ tại COP 26.
Bộ cần rà soát các phương án tính toán, quy định về vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia cũng cần bảo đảm hiệu quả chung, tổng thể nền kinh tế.
Trước những góp ý của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngành sẽ "nỗ lực cao nhất từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới", góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5-7%
Anh Minh