Một trong các lo ngại lớn của cử tri được Ban Dân nguyện tổng hợp, phục vụ kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV là tình trạng ùn ứ nông sản kéo dài tại các cửa khẩu biên giới.
Theo Ban Dân nguyện, cử tri và nhân dân băn khoăn về tình trạng hàng nghìn phương tiện vận chuyển hàng hóa nông sản tiếp tục ùn ứ nghiêm trọng tại cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc. Một trong số nguyên nhân được nhắc tới nhiều là do Trung Quốc tạm đóng cửa một số cửa khẩu để siết chặt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19. Việc này đang gây nhiều khó khăn, thiệt hại về kinh tế cho người dân và doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, từ 1/1/2022, Trung Quốc có quy định mới về xuất nhập khẩu, thắt chặt tiêu chuẩn, quy chuẩn nhiều mặt hàng nông sản. Vì thế, nguy cơ hàng hóa, nhất là nông sản trong nước không xuất được sang thị trường Trung Quốc sẽ lớn hơn nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn này.
Nghịch lý là trong khi hàng nghìn xe container chở nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới, trong nước lại thiếu những giải pháp căn cơ để phát huy thị trường nội địa 100 triệu dân, đảm bảo đầu ra cho nông sản.
Theo các cử tri, tình trạng tự phát trong sản xuất, xuất khẩu nông sản dẫn tới hiện tượng "được mùa mất giá" và rất bị động ở khâu tổ chức đầu ra, khiến người dân, doanh nghiệp lo lắng. Cơ quan quản lý thiếu biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Thông tin về tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới, trước đó, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, tình trạng ùn tắc nghiêm trọng xuất hiện khi Trung Quốc bắt đầu có ca mắc mới, siết chặt quản lý gồm cả khu vực cửa khẩu.
Chính phủ, bộ ngành và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đàm phán, hỗ trợ doanh nghiệp, tìm cách đưa hàng tồn ở Tân Thanh, Cốc Nam chuyển sang xuất khẩu chính ngạch và qua đường biển. Tới giờ đã giảm được hàng nghìn xe tồn ở cửa khẩu nhưng ông thừa nhận "không thể cải thiện được tình hình nhanh chóng".
Mặt khác, Thứ trưởng Công Thương cho hay, hiện Việt Nam mới đàm phán, xuất khẩu được 9 loại quả vào thị trường Trung Quốc, nên chủ yếu xuất khẩu đều theo hình thức trao đổi cư dân biên giới, tức xuất hàng theo hình thức tiểu ngạch.
Thêm nữa, thông qua hình thức trao đổi cư dân biên giới, thương nhân Trung Quốc sẽ được hưởng chính sách ưu đãi, giảm thuế 8-9%, tạo khoảng chênh lệch nhất định giúp thương nhân sử dụng hình thức này. Việc này dẫn tới xuất khẩu hoa quả dần phụ thuộc vào hình thức trao đổi cư dân.
Ngoài ra là yêu cầu đàm phán nghị định thư kiểm dịch thực vật bởi mỗi loại quả có quy trình kiểm dịch thực vật còn hạn chế. Hiện ngành nông nghiệp đã tích cực đàm phán nhưng 2 năm qua chưa ký thêm nghị định thư mới, nên xác suất kiểm tra với hàng nhập khẩu từ Việt Nam cao hơn.
Theo ông, nếu doanh nghiệp hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới, chuyển sang xuất chính ngạch, đi bằng đường sắt, đường biển... chuyện ùn tắc sẽ được tháo gỡ.
Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương hôm qua (5/1), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc giải toả nông sản ùn tắc tại các cửa khẩu phải "vừa có biện pháp giải quyết tình thế trước mắt và lâu dài". Chính phủ đã giao trách nhiệm cho 3 Bộ, gồm Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Ngoại giao có ngay các giải pháp trước mắt giải quyết tình thế.
"Chính phủ, các bộ, ngành cùng vào cuộc, cố gắng hết sức giải toả ách tắc hàng hoá", ông nói. Còn về lâu dài, theo Thủ tướng sẽ cần các giải pháp tổng thể bài bản, căn cơ trong sản xuất, lưu thông hàng hoá.
Theo số liệu của Sở Công Thương Lạng Sơn, đến sáng 5/1 tại các cửa khẩu của địa phương này còn tồn 2.299 container hàng hoá, giảm 162 xe so với cách đó một ngày. Do lượng xe tồn tại các cửa khẩu lớn, tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản gửi các địa phương, khuyến cáo doanh nghiệp tạm dừng đưa hàng lên cửa khẩu từ nay tới Tết Nguyên đán 2022.
Anh Minh