Trả lời:
Phản ứng sau tiêm chủng khá đa dạng, tùy vào thể trạng, mỗi bé sẽ có một biểu hiện sốt khác nhau. Trong đó, đa phần các trẻ có phản ứng sốt nhẹ, một số trẻ không sốt và một số ít trẻ sốt cao.
Triệu chứng sốt sau tiêm vaccine là tín hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch nhận ra tác nhân lạ và phản ứng lại. Còn với người không sốt, không có nghĩa là hệ miễn dịch không "chiến đấu", mà nó chiến đấu bằng cách nhẹ nhàng hơn, song đích đến cuối cùng vẫn đảm bảo hiệu quả của vaccine.
Vì thế, phụ huynh không nên quá lo lắng vì việc con sốt hay không sốt sau tiêm không quyết định hiệu quả của vaccine.
Trong trường hợp trẻ sốt nhẹ (dưới 38 độ) thì phụ huynh không nên cho uống thuốc hạ sốt mà tiếp tục theo dõi nhiệt độ và tổng trạng của trẻ. Nếu nhiệt độ của trẻ từ 38-38,4 độ, có thể xem xét dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ khó chịu, quấy khóc hoặc trẻ có tiền căn co giật do sốt.
Một số ít trẻ có phản ứng sốt cao sau tiêm (38,5 độ trở lên), phụ huynh nên cho trẻ uống paracetamol hạ sốt với liều 10-15mg/kg cân nặng. Tổng liều tối đa không quá 100mg/kg thể trọng trong 24h, mỗi lần uống cách nhau 4-6h, không quá 6 lần mỗi ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
Khuyến khích lau mát và cho trẻ mặc đồ thông thoáng, khuyến khích trẻ chơi đùa để hạ sốt tự nhiên và không phải dùng thuốc quá nhiều.
Đối với các trường hợp trẻ uống 2-3 cữ thuốc hạ sốt mà không hạ nhiệt, có thể trẻ mắc các bệnh khác chứ không đơn thuần là sốt sau tiêm chủng, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa nhi để được bác sĩ thăm khám và xử trí kịp thời.
Cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất nếu có các dấu hiệu sau:
- Không đáp ứng với thuốc hạ sốt (uống thuốc một giờ không hạ)
- Co giật hay mệt lả, gọi hỏi không phản ứng
- Tím tái, khó thở
- Quấy khóc, khóc thét kéo dài trên 3 giờ
- Bú kém, phát ban cùng các phản ứng thông thường kéo dài hơn một ngày
- Áp xe, sưng đau nhiều tại vị trí tiêm.
BS.Lê Thị Trúc Phương
Hệ thống tiêm chủng VNVC