Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, chủ đầu tư) vừa hoàn thiện, phê duyệt thiết kế nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, TP HCM. Nhà ga hành khách T3 có lớp mái cong mềm mại trải dài từ ga đến vườn trung tâm của công trình phức hợp thương mại - văn phòng, lấy ý tưởng từ tà áo dài Việt Nam, biểu trưng cho sự duyên dáng, thanh lịch.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không rõ thiết kế nhà ga này hình áo dài chỗ nào. Thiết kế cầu kỳ không quan trọng bằng hiệu quả hoạt động, độc giả Trinhxuanhung thắc mắc: "Sao bây giờ thiết kế công trình gì cũng phải dựa trên hình ảnh của một thứ gì đó đặc trưng nhỉ? Không chỉ công trình này mà nhiều công trình quan trọng khác cũng thế. Có bao nhiêu người bay lên không trung để ngắm và liên tưởng đến hình tượng đó suốt ngày được? Chúng ta cứ cố phải gò công năng sử dụng theo cái hình thù như áo dài, bông sen để làm gì? Cái quan trọng nhất là bố trí công năng hợp lý, tiện nghi khi sử dụng, áp dụng được tối đa sự phát triển của khoa học công nghệ".
Bạn đọc Chí Phèo nhận định: "Hàn Quốc không có sân bay hình nhân sâm, Hanbok; Nhật Bản không có sân bay hình hoa anh đào; Trung Quốc không có sân bay hình bát quái; Mỹ không có sân bay hình Hamburger. Làm ơn đặt tiêu chí hiệu quả lên hàng đầu".
Đồng quan điểm, độc giả Quang đánh giá: "Các sân bay ở Australia không có hình chuột túi, nhưng thiết bị bên trong lại rất hiện đại.Chúng ta thì cứ hết hoa sen lại đến áo dài".
>> 'Giải cứu' sân bay Tân Sơn Nhất
Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn khoảng 10.990 tỷ đồng, bằng nguồn vốn của ACV, dự kiến hoàn thành trong 37 tháng từ khi khởi công. Công trình được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, công suất 20 triệu hành khách một năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa để giảm tải cho nhà ga T1 Tân Sơn Nhất.
"Tôi đến sân bay Changi của Singapore mấy lần, nhưng vẫn chưa biết hình dáng kiến trúc bên ngoài của nó như thế nào? Tuy nhiên, nội thất bên trong của sân bay này khiến tôi thật sự ấn tượng. Hy vọng các công trình kiến trúc ở Việt Nam sẽ tập trung nhiều hơn vào nội thất bên trong, đừng sa đà vào tìm kiếm hay gán ghép một cách khiên cưỡng cho hình dáng kiến trúc bên ngoài. Nội thất, tiện nghi sử dụng, công năng vận hành là những yếu tố tác động trực tiếp đến cảm nhận của người sử dụng. Còn hình dáng kiến trúc bên ngoài chỉ làm gia tăng tính thẩm mỹ cho không gian kiến trúc đô thị là chính", bạn đọc Long Nam phân tích.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố công năng trong thiết kế, độc giả Hai Bui Minh kết lại: "Thiết kế kiểu gì thì cũng phải đặt các tiêu chí sau lên hàng đầu: Công năng sử dụng; vận hành hiệu quả - an toàn - tiết kiệm; dịch vụ đầy đủ và dễ dàng tiếp cận; kết nối dễ dàng với các tuyến giao thông công cộng, đặc biệt là metro - tram - xe buýt vào trong sảnh nhà ga; có nhà gửi xe phù hợp vào lúc cao điểm. Tạo dáng bên ngoài chỉ là yếu tố phụ và có thể thay đổi theo thời gian. Áo dài hay áo bà ba không quan trọng, miễn là phù hợp cảnh quan hiện hữu và tương lai ít nhất 40 năm".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net