Cơ quan Nghiên cứu Dự án Phòng thủ Tiên tiến (DARPA) ngày 30/1 thông báo đã phối hợp cùng không quân Mỹ hoàn thành thử nghiệm cuối cùng với chương trình Vũ khí siêu vượt âm sử dụng động cơ hút khí tự nhiên (HAWC).
Trong thử nghiệm, phiên bản tên lửa của Lockheed Martin được trang bị động cơ scramjet Aerojet Rocketdyne, có nhiệm vụ nén không khí liên tục để di chuyển với tốc độ siêu vượt âm, đã hoàn tất toàn bộ mục tiêu ban đầu của chương trình.
"Thử nghiệm này của HAWC sẽ cung cấp dữ liệu quan trọng cho các nỗ lực hoàn thiện công nghệ siêu vượt âm của Phòng Nghiên cứu Lực lượng Không quân (AFRL)", DARPA cho biết.
Nguyên mẫu tên lửa siêu vượt âm HAWC do Lockheed Martin sản xuất bay với tốc độ hơn Mach 5 trong thử nghiệm cuối cùng, đạt độ cao hơn 18.000 m và bay xa hơn 555 km. Theo DARPA, thử nghiệm này cho thấy năng lực và hiệu suất của nguyên mẫu tên lửa HAWC đã được hoàn thiện.

Đồ họa mô phỏng tên lửa siêu vượt âm HAWC của không quân Mỹ. Ảnh: DARPA.
Chương trình HAWC đang bước vào giai đoạn cuối, các bên triển khai đang phân tích dữ liệu thử nghiệm và vẫn có cơ hội cải tiến công nghệ. Sau khi chương trình HAWC kết thúc, Mỹ có hai thiết kế tên lửa siêu vượt âm để hoàn thiện và cải tiến trong tương lai, một của Lockheed Martin và một của Raytheon.
DARPA đã lên kế hoạch hoàn thiện mẫu vũ khí siêu vượt âm trong chương trình Thêm Cơ hội với HAWC (MOHAWC), trong đó chế tạo và thử nghiệm nhiều phương tiện siêu vượt âm hơn dựa trên tiến bộ từ HAWC. Các mẫu tiên lửa này sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của động cơ scramjet và cung cấp công nghệ cho những nền tảng vũ khí khác trong tương lai.
HAWC ban đầu được thiết kế để diệt mục tiêu mặt đất, sau đó được bổ sung khả năng tấn công tàu chiến để tăng lựa chọn cho các chỉ huy hải quân Mỹ. Nó có thể lắp trên nhiều máy bay của hải quân Mỹ như tiêm kích F-35C, F/A-18E/F và máy bay tuần thám biển P-8A Poseidon, cùng oanh tạc cơ B-1 và B-52 của không quân Mỹ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất và chưa được quân đội Mỹ xem xét.
Tên lửa siêu vượt âm thường được mô tả là loại vũ khí "vô hình" do tốc độ bay rất cao, cộng với khả năng cơ động trong hành trình, khiến chúng có thể né tránh được phần lớn hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay. Nga và Trung Quốc đều tuyên bố đã sở hữu vũ khí siêu vượt âm, trong khi Mỹ vẫn đang chật vật phát triển chương trình này.
Cựu đại tướng John Hyten năm 2021 thừa nhận Mỹ tụt hậu so với Nga và Trung Quốc về vũ khí siêu vượt âm, cho rằng Mỹ sẽ mất nhiều năm và phải bỏ nguồn lực rất lớn để giành lại vị trí hàng đầu trong lĩnh vực này.
Nguyễn Tiến (Theo DARPA)