Việc TP HCM yêu cầu không dùng ly, ống hút nhựa đang gây tranh luận trên VnExpress.
Không ít người nhận định việc cấm sử dụng không phải giải pháp khả thi để xử lý rác thải nhựa:
Không dùng ly nhựa, ống hút nhựa, và cả túi nylon nhựa, nhưng nhu cầu và quy mô xã hội hiện đại hiện nay cho thấy, gần như không thể không sử dụng các vật dụng nhựa. Vì vậy, tôi cho rằng, giải pháp cấp bách là thực hiện phân loại rác nhựa bắt buộc. Điều này không những giúp cải thiện môi trường, mà còn giảm chi phí xử lý rác, đồng thời có thêm nguồn nguyên liệu để tái chế thành nhựa mới. Chính vì khâu phân loại rác còn kém, nên rác thải nhựa bị trộn lẫn với đủ thứ, bị đem đốt, gây ô nhiễm. Nếu rác thải nhựa được phân loại riêng, thì đó là nguyên liệu có giá trị để tái chế thành các vật liệu khác, ví dụ, vật liệu san lấp đường (thực hiện ở châu Âu), vật liệu nhựa tái sinh, xà bần xây dựng,...
Tôi phản đối, cái này là học đòi theo Tây. Ta nên dùng túi nilon và cốc nhựa một lần vì:
1. Ta là xứ nhiệt đới, bệnh truyền nhiễm nhiều, dùng đồ một lần sẽ vệ sinh hơn một cốc nước nhúng xô nước bẩn cả ngày.
2. Ta có hàng nghìn hay chục nghìn người bới nhặt ve chai sống dựa vào đó.
3. Ta khác Tây là chai và túi hở ra cái nào là ve chai nhặt hết tái chế thành dép, chậu... đâu có mà ra môi trường.
4. Thay bằng cốc giấy hay ống hút tre dùng một lần thì phá rừng còn có hại môi trường hơn.
Chỉ là nên đầu tư vào giáo dục, để không vứt rác xuống sông biển, ra đường thì quan trọng hơn và hiệu quả hơn.
Mấy tháng trước mình thường sử dụng ống hút inox, nhưng mỗi lần rửa cũng mất 2 lít nước với xà bông. Tính ra là không bảo vệ môi trường, mất thời gian rửa nên quay về ống hút nhựa.
Tôi không ủng hộ vấn đề này. Nhựa là rác thải có thể tái chế được, chẳng qua là do ý thức xã hội kém nên mới xảy ra vấn đề này. Việc bảo vệ môi trường nên được luật hoá rõ ràng, các hình phạt nên đánh vào lao động công ích chứ không phải là tài chính.
Tuy nhiên, phản bác lại luận điểm trên, nhiều ý kiến lại cho rằng, tái chế đồ nhựa vừa tốn kém lại không xử lý được triệt để nguồn rác thải độc hại này:
Không phải cứ là nhựa là có thể tái chế. Hơn nữa với đa phần nhựa tái chế bây giờ thì tỉ lệ có thể tái chế được chỉ tầm 20-30% thôi, nên sản xuất ra vẫn rất hại môi trường. Không phải cứ gọi là đồ tái chế được nghĩa là sẽ tái chế được 100% và không hại môi trường.
Không tái chế được hoàn toàn và tái chế tốn rất nhiều năng lượng. Đó là lý do vì sao các nước có hệ thống phân loại tốt như Mỹ, Nhật,... đều đem xuất khẩu rác của họ sang các nước đang phát triển.
Cấp thiết hơn là phải cấm hộp xốp. Loại hộp này các nước trên thế giới cấm hàng chục năm nay rồi mà Việt Nam vẫn xài đựng xôi, cơm hộp các kiểu. Khi đựng đồ nóng rất độc hại và hộp này không tái chế đc, là gánh nặng môi trường thực sự. Ở chợ còn dùng dây nilon tái chế buộc giò, bánh chưng để luộc nữa. Bà con bảo nhau giúp chứ nhà tôi ra chợ bảo buộc dây nilon không mua là họ mắng cho, bảo "ăn có sao đâu mà lắm chuyện".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.