"Hồi 20 tuổi tôi cũng từng bị phạt 3 triệu đồng vì lái xe không bằng lái và quẹo phải không xi nhan. Lúc đó, mẹ mắng tôi mấy ngày trời do tôi không có tiền đóng phạt. Vì tôi còn đi học chưa làm ra tiền nên mẹ tôi phải bỏ tiền đóng.
Nhưng ngẫm lại nhờ lần đó mà tôi chịu đi học lấy bằng lái xe và giờ thì quẹo phải lúc nào cũng nhớ bật xi nhan hết. Nên chỉ có hình phạt nặng mới giáo dục được ý thức của con người.
Bởi vậy tôi ủng hộ luật này. Chỉ mong số tiền phạt đó được sử dụng để nâng cấp đường xá và cơ sở hạ tầng thì nếu tôi sai tôi cũng chấp nhận đóng phạt dù cho có đau lòng vì viêm màng túi".
Độc giả Ngân Dương kể lại câu chuyện của bản thân như trên, bày tỏ ủng hộ phạt nặng để nâng cao ý thức, đồng thời mong tiền phạt được dùng cải thiện hạ tầng giao thông.
Bình luận này được viết sau bài Shipper vượt đèn đỏ 'chừa' vì chỉ bị nhắc nhở, không phạt. Bài viết này, tác giả cho rằng mức phạt lỗi giao thông mới cao so với thu nhập, cho rằng:
"Luật pháp ra đời là để răn đe, do đó, những ngày đầu tiên áp dụng luật, nên đặt trọng tâm vào việc giáo dục, giúp người dân hiểu rõ và điều chỉnh dần thói quen.
Mục tiêu cuối cùng của luật pháp không phải là khiến người ta sợ mà là khiến người ta hiểu và tự giác thay đổi".
Trích dẫn lại nội dung trên, độc giả nickname vandoihema nói: "Bao lâu nay nhiều người biết mình vi phạm luật giao thông, nhưng họ vẫn lờ đi".
Độc giả Linh Dang viết:
"Nhiều người cứ lấy cơ mưu sinh để biện minh cho việc phạm luật, xong lại bảo là cả ngày mưu sinh nên không biết luật thay đổi. Trời đất, không được vượt đèn đỏ, không được đi ngược đường, không được leo vỉa hè... là luật đã có hàng chục năm nay, chỉ có mức phạt và việc phạt trở nên nghiêm khắc hơn.
Ngoài ra, tôi thấy việc xử phạt trên cao tốc nên được siết chặt hơn, đặc biệt là các hành vi như xe máy xe đạp đi vào cao tốc ôtô, đi ngược đường, quay đầu trên cao tốc...các hành vi mà nghe thôi đã thấy như đùa giỡn với tử thần".
Đồng quan điểm, độc giả Lê Tùng:
"Tôi đã đi nhiều nước phát triển, Singapore là một trong những nước có hệ thống pháp luật tốt nhất, xã hội quy củ, sạch sẽ và an toàn nhất. Singapore phạt rất nặng các vi phạm dù là những lỗi nhiều người Việt coi là nhỏ nhặt như xả rác, phóng uế nơi công cộng, ăn uống trên phương tiện công cộng... nên gần như không ai dám vi phạm, vì vi phạm là rắc rối to với luật pháp cũng như tiền phạt nhiều, có khi còn bị đánh roi.
Cho nên đừng ngụy biện rằng 'Mục tiêu cuối cùng của luật pháp không phải là khiến người ta sợ mà là khiến người ta hiểu và tự giác thay đổi'
Hữu Nghị tổng hợp