Trước câu hỏi có nên rút tiền tiết kiệm để khởi nghiệp ngành hàng mơ ước không, nhiều độc giả đã quan tâm.
Độc giả Hoàng Linh chia sẻ dù có được sự hỗ trợ nhưng vẫn không khởi nghiệp ngành ăn uống vì biết lượng sức mình: "Buôn bán đồ ăn rất khó, khởi nghiệp sẽ vất vả. Khi đã ổn định nguồn khách rồi cũng không nhàn hạ. Tôi là em của chủ một chuỗi thương hiệu ăn uống. Thỉnh thoảng tôi vẫn tới phụ giúp anh chị khi cần.
Người ngoài hay hỏi tôi sao không đi làm quản lý chi nhánh cho anh chị, hoặc xin mở một chi nhánh riêng để tự làm, kiếm thu nhập cao. Trong khi lương đi làm công sở của tôi chỉ bình thường như mặt bằng chung. Tôi thường nói nếu làm thì sẽ được dẫn dắt, chống lưng rất kỹ càng nhưng tôi tự biết sức mình nên không dám. Tôi lượng sức mình sẽ không chịu nổi áp lực, vất vả khi bước chân vào lĩnh vực này. Nên tôi an phận với thu nhập của mình".
Độc giả Trương Thúc Linh kể đã tiêu sạch và tiền tiết kiệm vẫn không thể phục hồi sau khi khởi nghiệp:
"Năm 2009 tôi bỏ công việc gần 20 triệu một tháng để theo đuổi công việc mình thích. Có đầu tư hẳn hoi từ chuyên môn đến tìm hiểu thị trường. Tất cả là lý thuyết cho đến khi bắt tay vào làm. Nếu cái sở thích và đam mê không đủ để níu lại thì sẽ đứt gánh.
Suốt một năm trời tôi đã tiêu sạch tiền tiết kiệm để cứu vãn sở thích cho tới tận bây giờ cũng chỉ đủ sống chứ không dư ra nhiều. Nếu bạn thực sự muốn khởi nghiệp quán ăn thì trước tiên phải có tiền thật nhiều tiền. Tiếp theo là chuyên môn. Phải đi học đầu bếp (sẽ không thể quản lý nếu không biết về chuyên môn). Tiếp theo nữa là kiên trì. Khi hội đủ các điều trên thì còn một cái nữa là may mắn".
Độc giả Linh Nguyen đưa lời khuyên cần có sự chuẩn bị kỹ lương khi mở quán ăn:
"Quan trọng không phải có làm hay không mà là nếu làm thì bạn đã chuẩn bị như thế nào? Ngành ăn uống kiếm nhiều tiền nhưng thành công không dễ. Trước khi quyết định bạn nên có kế hoạch rõ ràng, nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường, thực đơn... Mở quán ăn không hề đơn giản. Khả năng nấu nướng của bạn như thế nào?
Đồ ăn có gì đặc sắc? Có kinh nghiệm hay từng học hỏi từ chủ quán thành công khác không? Nguồn cung nguyên liệu thì sao?... Nếu mọi chuyện ổn và bạn có sự chuẩn bị kỹ càng thì bạn có thể thử. Lỡ thất bại bạn vẫn có thể quay lại nghề cũ mà".
Ngoài những lời khuyên cần suy nghĩ thấu đáo, độc giả Long tôm cho rằng nếu đã có dự định thì nên bắt tay vào làm để không hối hận:
"Năm 2012 tôi ra trường làm sale cho một công ty nước ngoài với mức lương gần 20 triệu đồng, một số tiền lớn với một sinh viên mới ra trường thời đó. Rồi năm 2014, World Cup tới, tôi thua mất 300 triệu đồng. Chán nản tìm mọi cách trả nợ và quyết định nghỉ việc để làm lại. Sau đó tôi đã vực dậy được và năm 2016 quyết định ra làm chủ và lập gia đình.
Sau 3 năm đầu tư trang trại nông nghiệp, tôi lỗ gần một tỷ đồng. Cuối năm 2019 vì thua lỗ và nhiều khoản nợ đáo hạn, tôi lại xin vào một công ty của nước ngoài với mức lương 50 triệu đồng.
Cuộc sống cũng tạm ổn dần nhưng với khát khao tự chủ, và muốn làm ông chủ. Sau 8 tháng tôi quyết định nghỉ việc và thành lập công ty để kinh doanh. Nói chung hiện tại mọi thứ đang khó khăn nhưng tôi thấy đó là chính mình. Bạn đang còn trẻ hãy thử một lần sống với ước mơ của mình. Ngã đâu đứng dậy đó. Nhưng quan trọng mình phải có phương án thật cụ thể".
Độc giả Nguyen Tra My cho rằng nếu đã có gia đình, sự ủng hộ từ người bạn đời là cần thiết:
"Bạn 25 tuổi, bạn có ước mơ và muốn khởi nghiệp để thực hiện ước mơ này, nếu bạn chưa lập gia đình tôi nghĩ đa số mọi người sẽ ủng hộ bạn. Nhưng hiện tại bạn đã cưới vợ, việc khởi nghiệp của bạn sẽ ảnh hưởng tới tài chính, thời gian, sự quan tâm của bạn dành cho gia đình, hãy bàn thật kỹ với vợ rồi quyết định.
Cố gắng tìm hiểu thị trường và lường hết tất cả khó khăn. Nếu vợ bạn đồng ý đồng cam cộng khổ với bạn thì tôi khuyên bạn nên thực hiện. Nhưng nên nhớ trong quá trình khởi nghiệp này vợ bạn đã hỗ trợ và đồng hành cùng chồng, nếu thành công thì ước mơ là của riêng bạn nhưng sự nghiệp là của cả hai vợ chồng.
Hai vợ chồng 25 tuổi, còn rất trẻ, nếu quyết định khởi nghiệp thì đừng vội có con nhé. Những năm đầu đời của con trẻ rất quan trọng, rất cần sự chăm sóc yêu thương của cả bố lẫn mẹ. Nếu bạn khởi nghiệp thì chắc chắn sẽ ko dành được điều này cho con".
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.
Hữu Nghị tổng hợp