(Bài viết Ý kiến không nhất thiết trùng quan điểm của VnExpress.net)
Ở công ty lớn (một nghìn nhân viên trở lên), bạn làm ở lĩnh vực nào (kinh doanh, tài chính, nhân sự, hành chính, vật tư, sản xuất) thì bạn chỉ biết và đào sâu vào lĩnh vực đó thôi. May lắm thì lên được chức CEO cũng chỉ ở lĩnh vực đó.
Làm việc cho công ty nhỏ (100 nhân viên trở xuống), một người kiêm nhiệm nhiều vị trí công tác, có thể làm việc trên nhiều lĩnh vực khác nhau thì mới học hỏi được nhiều.
Người làm việc cho công ty nhỏ có thể nhảy ra tự làm chủ chứ người làm việc cho công ty to muốn nhảy ra tự làm chủ là rất khó vì anh chỉ hiểu biết sâu chứ không hiểu biết rộng.
>> Sau 8 năm khởi nghiệp, tôi quay lại làm thuê
Tôi phụ trách đầu ra của công ty nhưng cái đầu ra này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực hậu cần của các lĩnh vực khác ở phía sau. Ví dụ, tất cả khách hàng có thể mua 500 nghìn đơn vị sản phẩm tháng này nhưng tôi không thể bán đến mức đó được. Phòng kế toán thông báo có người chưa trả tiền gối đầu chuyến trước. Phòng vật tư bảo chưa chuẩn bị kịp vật tư để sản xuất đủ lượng hàng mà tôi yêu cầu. Phân xưởng sản xuất thông báo dây chuyền abc gì đó đã đến kỳ bảo trì, tạm ngưng hoạt động vài ngày. Hành chính thông báo khách hàng nào đó vẫn chưa hoàn tất thủ tục hợp đồng. Có nguyên nhân thuộc về khách hàng, có nguyên nhân thuộc về công ty.
Tôi cũng chỉ là một CEO trong nhiều CEO. Tôi không thể chống nạnh la ó mọi người làm chậm công việc của tôi mà ngược lại tôi phải phối hợp với các CEO khác để kẹt ở đâu tháo gỡ ở đó. Đó là mâu thuẫn giữa các lĩnh vực khác nhau, còn nội bộ tại mảng mà mình phụ trách cũng nhiêu khê lắm.
Nội chuyện điều phối các nhóm làm việc cho ăn ý thôi cũng đủ mệt. Nhóm thị trường, nhóm chăm sóc khách hàng, nhóm giao nhận va chạm nhau như cơm bữa. Nhóm chăm sóc khách hàng nhận được đơn hàng giao bãi xe tải đường dài có ngày giờ địa điểm cụ thể, hứa hẹn với khách đúng thời gian sẽ có hàng được giao đến. Nhóm giao nhận bảo không còn người nào ở nhà, phải chờ người nào xong việc về trước thì mới giao hàng được, không dám đảm bảo yêu cầu thời gian. Thế là hai bên cự cãi to tiếng chỉ thiếu điều xông vào đánh nhau.
>> Bỏ việc để kinh doanh, có ngày cả nhà tôi chỉ tiêu 50.000 đồng
Bên này nói bên kia thiếu năng lực, làm mất uy tín công ty. Bên kia nói bên này quan liêu, ích kỷ chỉ biết mình – mình nhộn nhịp thì thiên hạ cũng nhộn nhịp, đào đâu ra xe nhàn rỗi mà thuê. Làm việc ở công ty to, nhiều người nhiều bộ phận, ngày nào cũng "vui" như Tết.
Nếu làm việc ở công ty nhỏ thì một anh nhân viên có thể là người chăm sóc khách hàng kiêm giao nhận kiêm luôn thị trường, có làm được hay không tự anh quyết định chả cần thông qua ai.
Như vậy, nếu bạn muốn làm chủ thì nên làm việc cho công ty nhỏ, muốn thăng tiến thành nhân viên cấp cao lương nhiều thì làm việc cho công ty to. Làm việc cho công ty nhỏ, khả năng thăng tiến của bạn cũng rất cao nếu ông chủ có tham vọng mở rộng quy mô công ty.
Khi công ty mở rộng, cái ông chủ cần là nhân viên trung thành lâu năm hơn là người có kinh nghiệm. Nếu làm việc đủ lâu (tối thiểu 5 năm) bạn sẽ được bổ nhiệm vào một chức vụ trụ cột nào đó. Công ty càng phát triển quy mô thì con đường thăng tiến của bạn càng lên như diều. Còn nói về lương bổng, bạn phải biết đủ. Càng nhận mức lương to, khả năng bị sa thải càng lớn. Dĩ nhiên, to là to với khả năng tài chính của công ty chưa hẳn là to với thị trường.
>> Khởi nghiệp phá sản, bạn gái chia tay, tôi làm 3 công việc để trang trải
Làm việc ở công ty to, bạn có khả năng nhảy việc cao khi xin vào làm việc ở những công ty mới thành lập hoặc đang trên đà xuống dốc.
Ở trường hợp trước, bạn sẽ nhận được mức lương rất cao và được lắp vào bộ khung còn thiếu rất nhiều nhân sự của công ty đó. Khi công ty đã tương đối hoàn thiện đi vào hoạt động lâu dài, người ta sẽ sa thải bạn để nhận người chấp nhận mức lương vừa phải.
Ở trường hợp sau, người ta nhận bạn vào làm cũng với mức lương rất cao để bạn cải tiến đổi mới các nguyên tắc làm việc, thanh lọc những thành phần lười biếng chây ỳ. Sau khi công ty ổn định bắt đầu đi lên thì bạn cũng được "ưu tiên cho nghỉ".
Tóm lại, làm việc ở công ty to bạn chỉ thăng tiến thành chuyên gia thôi, chuyên lo việc nghiên cứu cải tiến hệ thống làm việc và công việc này, thật đáng buồn, chỉ có tính chất thời vụ. Ở Mỹ có hẳn một hội chuyên cung cấp nhân sự giải quyết những khó khăn nhất thời cho các công ty. Ở ta có lẽ vẫn còn trong tình trạng tự phát.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm