Trường hợp này được trình bày tại Hội nghị về Retrovirus và Các bệnh nhiễm trùng cơ hội ở Denver ngày 15/2. Nữ bệnh nhân ở độ tuổi trung niên, bị ung thư máu và xác định nhiễm HIV vào tháng 6/2013. Bà duy trì sử dụng thuốc kháng virus (ARV).
Tháng 3/2017, bà được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy. Đến tháng 8, bà nhận máu cuống rốn từ người hiến tặng có đột biến gene ngăn chặn sự xâm nhập của HIV vào tế bào. Trong 6 tuần chờ đợi tế bào máu cuống rốn hình thành, người phụ nữ được cấy thêm tế bào gốc máu phù hợp từ một người họ hàng. Các tế bào này, theo tiến sĩ Marshall Glesby (chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Weill Cornell Medicine ở New York), đã hỗ trợ hệ thống miễn dịch của bệnh nhân cho đến khi máu cuống rốn hoạt động bình thường, giảm nguy cơ từ ca cấy ghép.
Bệnh nhân đã ngừng điều trị ARV sau 37 tháng kể từ khi cấy ghép. Các xét nghiệm đến nay không phát hiện dấu hiệu của HIV trong máu.
Theo các nhà khoa học, máu dây rốn phổ biến hơn so với tế bào gốc trưởng thành dùng trong các ca cấy ghép tủy xương đã chữa khỏi bệnh cho hai bệnh nhân HIV trước đó. Ngoài ra, nó không cần liên hệ huyết thống gần với người nhận và cũng không đòi hỏi người hiến tặng tham gia nhiều vào quá trình cấy ghép. Song hầu hết người hiến tế bào gốc từ máu và mô dây rốn là da trắng, chỉ đáp ứng đủ nhu cầu của vài chục người Mỹ mắc cả HIV và ung thư mỗi năm.
Ghép tủy xương không phải lựa chọn điều trị phù hợp với hầu hết bệnh nhân. Chúng có tính xâm lấn và rủi ro cao, vì vậy thường được chỉ định cho những ca HIV và ung thư đã không còn lựa chọn nào khác.
Đến nay, thế giới ghi nhận hai trường hợp chữa khỏi HIV. Người đầu tiên là "Bệnh nhân Berlin" Timothy Ray Brown. Ông loại bỏ hoàn toàn virus khỏi cơ thể trong 12 năm. Đến năm 2020, ông qua đời vì bệnh ung thư. Bệnh nhân thứ hai là Adam Castillejo, xác nhận khỏi HIV năm 2019. Cả hai đều được cấy ghép tủy xương từ những người hiến tặng mang đột biến ngăn chặn sự lây nhiễm của HIV. Đột biến hiếm này được xác nhận ở khoảng 20.000 người, hầu hết gốc Bắc Âu.
Vì cấy ghép tủy xương là phẫu thuật thay thế toàn bộ hệ thống miễn dịch, hai bệnh nhân gặp rất nhiều tác dụng phụ. Trong đó, tình trạng điển hình là tế bào ghép tấn công cơ thể người nhận. Ông Castillejo đã giảm 31 kg, mất thính giác và nhiễm trùng nhiều lần.
Ngược lại, nữ bệnh nhân mới đây được ghép tế bào từ cuống rốn có thể rời bệnh viện 17 ngày sau phẫu thuật, không gặp tình trạng như trên. Tiến sĩ JingMei Hsu, bác sĩ tại Weill Cornell Medicine, cho biết tế bào của người thân giúp bà tránh được nhiều tác dụng phụ.
Các chuyên gia chưa biết chính xác tại sao tế bào gốc từ máu cuống rốn hoạt động tốt đến vậy. Tiến sĩ Koen Van Besien, giám đốc dịch vụ cấy ghép tại Weill Cornell, phỏng đoán chúng thích nghi với môi trường mới tốt hơn.
"Như đứa trẻ sơ sinh, chúng dễ tiếp nhận hơn", ông nói.
Thục Linh (Theo NY Times)