Hồi cấp hai, tôi trong đội học sinh giỏi cấp tỉnh, được tỉnh nuôi ăn học. Hết lớp 9 thì gia đình tôi chuyển sang tỉnh khác sinh sống, tôi bỏ trường chuyên và bỏ luôn kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, bước vào lớp 10 ở một tỉnh khác hoàn toàn xa lạ.
Tôi trở thành một học sinh "ngu" nhất lớp, "ngu" thật vì tôi bị thầy cô giáo mắng rất nhiều. Dần dà tôi theo những học sinh giỏi ở lớp mới và khá dần lên.
Tôi cố học ngày học đêm để mong vượt qua họ, nhưng thật sự là họ rất giỏi và suốt 3 năm cấp 3 tôi không tài nào vượt qua họ được mà chỉ có thể hãnh diện đứng chung nhóm với những người đó mà thôi.
Dù trong nhóm những người giỏi xuất sắc, cả khối chắc được khoảng chục người, nhưng điểm số của bọn tôi rất hiếm khi có được 10 điểm, điểm trung bình mỗi học kỳ của bọn tôi không ai vượt qua được con số 9 cả.
Hồi đó, đạt được học sinh khá cũng khó chứ đừng nói học sinh giỏi, có lớp chẳng có đứa nào đạt được học sinh giỏi nữa là. Còn bây giờ, cho học sinh điểm 10 đó là việc của thầy cô giáo, còn năng lực thật sự của học sinh là việc của phụ huynh.
Lúc con tôi đi học về khoe điểm 10, tôi rất lấy làm ngạc nhiên, nhưng vẫn cố gắng cười và khen các con. Nhưng tận trong tâm, tôi thừa biết năng lực của con mình cao nhất là 7 điểm hay cố lắm cũng chỉ là 8 mà thôi.
>> Những điểm 10 học bạ rỗng tuếch
Tôi vẫn để cho con học làng nhàng ở trường, miễn các con vui khi đến trường là chính chứ không ép học. Cấp tiểu học thì học chi cho nhiều?
Từ đó, tôi cố ý tìm hiểu và thấy cũng nên thông cảm cho thầy cô giáo thôi chứ chẳng phải thắc mắc chi nhiều nữa. Vậy nên thấy khi cuối năm có nhiều phụ huynh khoe thành tích con cái trên Facebook, nhiều người vào bình luận, xuýt xoa thì tôi cũng chỉ biết cười thôi.
Vì các con tôi cũng được y chang thế nhưng đâu có đúng với thực lực của chúng, khoe ra thì ái ngại lắm.
Hồng Hà
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.