Truyền thông Nga hôm 31/1 công bố video từ máy bay không người lái (UAV) trinh sát, trong đó pháo tự hành PzH 2000 của Ukraine bị phát hiện khi đang cơ động. Hình ảnh từ cảm biến ảnh nhiệt cho thấy nguồn nhiệt lớn ở phía trái mũi xe, nhiều khả năng là cửa xả khí thải động cơ, đặc điểm chỉ có trên PzH 2000 và không trùng khớp với những pháo tự hành khác trong biên chế Ukraine.
Trong video đầu tiên, tổ hợp PzH 2000 được phủ vải ngụy trang và nhiều khả năng là lưới chống UAV đang di chuyển vào vị trí ẩn nấp dưới tán cây. Chiếc Lancet lao xuống, nhằm vào phần giáp mỏng nhất trên nóc tháp pháo và tạo ra vụ nổ lớn.
Video thứ hai cho thấy pháo PzH 2000 di chuyển trên đường, không rõ là tổ hợp trong video trước đó hay là khẩu đội khác. UAV Lancet tiếp cận từ phía trái và nhằm vào sườn xe.
Phi cơ Nga kích nổ từ xa, vệt lửa cho thấy có thể đây là phiên bản Lancet trang bị cảm biến LiDAR và đầu nổ xuyên tự định hình (EFP), được thiết kế nhằm đối phó lồng thép chống UAV được Ukraine trang bị cho nhiều khí tài trên chiến trường.
Chưa rõ số phận của hệ thống PzH 2000 trong video. Loại pháo này được bọc giáp mỏng, có khả năng chống đạn súng máy 14,5 mm bắn thẳng và vỏ cao su dạng gai nhằm đối phó đầu nổ xuyên giáp cỡ nhỏ phóng từ đạn chùm. Tuy nhiên, lớp bảo vệ này nhiều khả năng không thể chống đỡ đầu đạn EFP có sức xuyên phá cao trên những chiếc Lancet.
Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin.
PzH 2000 là pháo tự hành cỡ nòng 155 mm được Đức phát triển trong giai đoạn 1987-1996, sau đó đưa vào sản xuất hàng loạt và biên chế trong quân đội. PzH 2000 được đánh giá là một trong những tổ hợp lựu pháo mạnh nhất thế giới, với khả năng bắn nhanh 9 phát mỗi phút, đạt tầm bắn 30-47 km với đạn thường và 67 km với đạn tăng tầm.
Đức bắt đầu chuyển PzH 2000 cho Ukraine hồi tháng 6/2022, nhưng 10 trong 15 hệ thống đầu tiên mà Ukraine nhận đã hỏng chỉ sau hai tháng vì bị sử dụng quá nhiều.
Tổng cộng 28 tổ hợp đã được Berlin cung cấp cho Kiev, nhưng không rõ số lượng pháo PzH 2000 còn khả năng hoạt động. Truyền thông Ukraine hồi tháng 11/2022 cũng công bố hình ảnh một hệ thống PzH 2000 bị hư hỏng do trúng UAV Lancet.
Lancet tham chiến lần đầu vào tháng 7/2022 và đã tấn công hơn 1.000 khí tài của Ukraine, trong đó chủ yếu là các loại pháo tự hành và lựu pháo, xe tăng thiết giáp, tổ hợp phòng không, hệ thống tác chiến điện tử và cả tiêm kích MiG-29. Phiên bản Lancet mới nhất được bổ sung khả năng tự động phát hiện và bám bắt mục tiêu, không cần chỉ thị từ kíp điều khiển.
Vũ Anh (Theo Rossiyskaya Gazeta, Reuters, Militarnyi)