Video từ máy bay không người lái (UAV) của Nga và đăng trên mạng xã hội hôm 30/10 cho thấy khoảnh khắc xe tăng chủ lực Strv 122 thuộc Lữ đoàn Cơ giới số 21 Ukraine trúng tên lửa chống tăng dẫn đường gần thành phố Kupyansk thuộc tỉnh Kharkov.
Trong video, tên lửa được cho là mẫu Kornet của Nga bắn trúng phần đuôi tháp pháo chiếc Strv 122, luồng hỏa khí kích hoạt các quả đạn pháo trong buồng chứa, khiến chúng bốc cháy dữ dội.
Tuy nhiên, xe tăng không bị thổi bay tháp pháo, các thành viên kíp lái rời khỏi xe và được đồng đội hỗ trợ sơ tán.
Strv 122 là phiên bản xe tăng Leopard 2 hiện đại nhất thế giới. Khoang chứa đạn trên mẫu này cùng các loại xe Leopard 2 khác được ngăn cách với khoang chiến đấu, giúp bảo vệ tính mạng kíp xe nếu các quả đạn bị kích nổ.
Xe tăng Strv 122 của Ukraine bốc cháy sau khi trúng tên lửa Nga. Video: Telegram/Zhizn_fm
Đây là chiếc Leopard 2 thứ sáu bị lực lượng Nga phá hủy trong một tuần qua, cũng là chiếc Strv 122 đầu tiên bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Giới chuyên gia phương Tây nhận định quân đội Ukraine đã mất ít nhất 12 xe Leopard 2 các loại kể từ khi triển khai chúng trên chiến trường hồi tháng 6, tương đương gần 20% tổng số xe được NATO viện trợ.
"Cuộc tập kích này khác với những đòn đánh trước đó. Phần lớn xe Leopard 2 trước đây bị phá hủy vì trúng mìn hoặc bị UAV tự sát tấn công, còn chiếc Strv 122 lần này bị tổ diệt tăng của Nga hạ gục", chuyên gia quân sự David Axe nhận xét.
Strv 122 được Thụy Điển thiết kế nhằm đáp ứng yêu cầu nội địa, trong đó có tác chiến ở các khu vực rừng rậm và địa hình đô thị, nổi bật với khả năng phòng vệ. Strv 122 được ứng dụng hàng loạt cải tiến để khắc phục nhược điểm của biến thể Leopard 2A5, bổ sung những khối giáp gia cường ở mặt trước thân xe và nóc tháp pháo, tương tự mẫu Leopard 2A6EX do Đức phát triển.
Điều này khiến Strv 122 không chỉ là biến thể Leopard 2A5 có vỏ giáp kiên cố nhất, mà còn sở hữu khả năng bảo vệ vượt trội so với mẫu Leopard 2A6 nội địa của Đức và Hà Lan.
Tuy nhiên, những gói nâng cấp của Strv 122 dường như chỉ giúp nó chống chọi được các loại UAV tự sát với đầu đạn dưới một kg, không thể đối phó với những tên lửa hiện đại như Kornet với khả năng vô hiệu hóa giáp phản ứng nổ và xuyên thủng lớp giáp dày tương đương 1.300 mm thép cán đồng nhất.

Vị trí thành phố Kupyansk. Đồ họa: RYV
Lữ đoàn Cơ giới số 21, còn có biệt danh là "Lữ đoàn Thụy Điển" vì vận hành toàn khí tài do Stockholm cung cấp, được triển khai đến mặt trận đông bắc Ukraine hồi tháng 6 với lực lượng gồm xe chiến đấu bộ binh CV9040C, xe tăng chủ lực Strv 122, pháo tự hành Archer và xe cứu kéo Bgbv 90.
"Strv 122 có khả năng phòng vệ hàng đầu thế giới, nhưng cũng khó sống sót trước tên lửa dẫn đường hạng nặng. Thiệt hại với chiếc Strv 122 sẽ là đòn đau với Lữ đoàn số 21, nhất là khi họ chỉ biên chế một đại đội xe tăng, thay vì 3 đại đội như phần lớn các lữ đoàn cơ giới của Ukraine", Axe nêu quan điểm.
Vũ Anh (Theo Forbes)