Tổng thống Trump và các trợ lý hàng đầu nói rằng họ đang làm tất cả có thể để theo đuổi một giải pháp ngoại giao và hòa bình đối với mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng 8 tháng sau khi Trump nhậm chức, ông vẫn chưa đề cử đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, một sự thiếu sót rõ ràng khi Nhà Trắng cố gắng xây dựng chính sách chặt chẽ để đối phó với Bình Nhưỡng.
Vị trí trống này khiến cho chính phủ mới của Tổng thống Hàn Moon Jae-in không có một đối tác uy tín và quyền lực từ chính quyền Trump tại Seoul vào thời điểm lo ngại đang gia tăng ở Đông Á. Ngoài ra, họ không có ai giúp giải mã những tuyên bố gay gắt của Tổng thống Mỹ. Trump ngày 19/9 đe dọa có thể "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu cần thiết trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc.
"Vấn đề Triều Tiên là một ưu tiên cao cần có sự phối hợp Mỹ - Hàn và cần có kênh liên lạc vững chắc". Scott Snyder, giám đốc chính sách Mỹ - Hàn tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói. "Nhưng vị trí đó lại bị bỏ trống".
Trong khi đó, tại Nhật Bản và Trung Quốc, William Hagerty, doanh nhân ở Tennessee và Terry Branstad, cựu thống đốc bang Iowa, đã làm đại sứ trong vài tháng.
Theo Washington Post, Trump và phụ tá Nhà Trắng đã tự mình bù đắp cho sự thiếu vắng đó. Trump tuần này gặp riêng ông Moon và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bên lề phiên họp Đại hội đồng LHQ. Ba nhà lãnh đạo cũng sẽ tổ chức một cuộc thảo luận ba bên về chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên, lần thứ hai ba nước này làm vậy trong nhiệm kỳ của ông Trump.
Ông Moon cũng đã đến Mỹ gặp ông Trump hồi tháng 6, chỉ một tháng sau khi ông nhậm chức.
Tuy nhiên, ở hậu trường, các nhà quan sát ở Washington cho biết họ rất bối rối về sự chậm trễ kéo dài trong việc chỉ định đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc. Các nhà phân tích cho biết một phần lý do là phụ tá của Trump từ chối xem xét hàng chục chuyên gia an ninh quốc gia đã công khai ký lá thư phản đối Trump trong chiến dịch. Các phụ tá của Trump, bao gồm con rể Jared Kushner cũng xem xét rất kỹ bất kỳ cái tên nào được gợi ý.
Ứng viên hàng đầu được cho là Victor D. Cha, cựu quan chức chuyên về chính sách châu Á dưới thời George W. Bush, hiện là chuyên gia hàng đầu về bán đảo Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Cha được cho là đang trải qua một cuộc kiểm tra tiêu chuẩn của Nhà Trắng, bao gồm kiểm tra lý lịch và tài chính. Nếu Trump đề cử ông Cha, quyết định đó sẽ cần sự phê chuẩn của thượng viện.
Ông Cha không đáp ứng yêu cầu trả lời bình luận. Một nguồn tin thân cận với ông nói rằng có thể đến tháng 11 hoặc 12 ông Cha mới được đề cử.
Sau khi Trump nhậm chức, người đang nắm giữ vị trí cao nhất tại sứ quán Mỹ ở Hàn Quốc là đại biện Marc Knapper, đã làm phó đại sứ trong hai năm. Ông nói tiếng Hàn lưu loát và được kính trọng tại Seoul.
"Đại sứ có uy tín hơn người thế chỗ tạm thời và có nhiều quyền lực hơn", David Kang, giám đốc Viện Nghiên cứu Hàn Quốc thuộc Đại học Nam California, nói. "Tiếng nói của đại sứ có sức mạnh hơn và ảnh hưởng hơn ở Hàn Quốc và Mỹ. Công việc này đóng vai trò quan trọng để giúp các quốc gia phối hợp và lắng nghe lẫn nhau".
Mối quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc đã xấu đi sau khi Trump tuyên bố sẽ tìm cách thương lượng lại thỏa thuận thương mại song phương do Obama ký năm 2011. Trong chiến dịch tranh cử, ông Moon đã bày tỏ nghi ngờ về kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông sau đó đã đồng ý cho chương trình này tiếp tục.
Một số người ở Washington lo ngại vị trí trống ở Seoul sẽ gửi đi thông điệp rằng Nhà Trắng không thực sự quan tâm đến quan điểm của một đại sứ chỉ cách biên giới Triều Tiên 56 km.
Sự trì hoãn cho thấy "chính quyền có thái độ thờ ơ liều lĩnh", một cựu quan chức chính quyền Obama giấu tên nhận xét. "Họ không đoái hoài đến đến việc tìm kiếm lời khuyên. Đây là một tổng thống tự mình quyết định mọi thứ".
Phương Vũ