Nhóm nghiên cứu ở Đại học Hoàng gia London (ICL) cho biết: "Chúng tôi vừa thử nghiệm vaccine trên chuột". Nhà nghiên cứu Paul McKay ở ICL, hy vọng "trong vài tuần tới có thể xác định phản ứng ở những con chuột, cách kháng thể trong máu của chúng chống lại virus corona".
ICL hy vọng nghiên cứu về virus corona gây dịch SARS cách đây gần hai thập kỷ có thể giúp tăng tốc quá trình tạo ra vaccine. "Sau khi hoàn tất thử nghiệm ở giai đoạn một trong vài tháng, chúng tôi có thể lập tức bắt đầu thử nghiệm ở người với thời gian tương tự. Như vậy, có thể cuối năm nay, chúng tôi sẽ có một loại vaccine phù hợp để dùng cho con người", McKay chia sẻ.
Anh đã ghi nhận 8 ca nhiễm bệnh và buộc phải đóng cửa hai chi nhánh của trung tâm y tế ở thành phố Brighton, nơi có ít nhất hai nhân viên dương tính với virus. Nhưng quá trình cho ra đời một loại vaccine trong phòng thí nghiệm thường bao gồm nhiều năm thử nghiệm trên động vật và thử nghiệm lâm sàng ở người. Nhà chức trách phải xác nhận tính hiệu quả và an toàn của vaccine trước khi sản xuất hàng loạt.
Các nhà khoa học trên thế giới đang gấp rút phát triển biện pháp phòng ngừa chủng virus corona mới bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc. Hôm 9/2, nhóm nghiên cứu tại Đại học Đồng Tế (Thượng Hải) cũng bắt đầu thử nghiệm tiêm vaccine mới nhất ngừa nCoV lên 100 con chuột. Đơn vị nghiên cứu này cho rằng, nếu thử nghiệm trên động vật diễn ra suôn sẻ, họ có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng sâu hơn vào đầu tháng 4.
Phần lớn nghiên cứu hiện nay trên thế giới về virus corona mới có nguồn kinh phí đến từ Liên minh xúc tiến phòng chống dịch bệnh (CEPI). Tổ chức này được thành lập vào năm 2017 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos để giúp các công ty dược phẩm và trường đại học hợp tác nhằm ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm.
Đến ngày 12/2, tổng số người chết do nhiễm nCoV ở Vũ Hán (Trung Quốc) lên 1.115 và số ca nhiễm là 45.153.
An Khang (Theo CNA)