Tên lửa đẩy hai tầng Electron của Rocket Lab cất cánh từ Tổ hợp phóng số 1 trên Bán đảo Mahia ở New Zealand vào lúc 9h20 ngày 20/11 theo giờ Hà Nội, mang theo 30 vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp trong một sứ mệnh mang tên "Return to Sender".
Khoảng hai phút rưỡi sau khi phóng, ở độ cao 80 km, tầng 1 của Electron đã tách ra và hạ cánh an toàn xuống Thái Bình Dương bằng dù theo đúng kế hoạch. Đây là lần thu hồi tên lửa thành công đầu tiên của Rocket Lab, đánh dấu một bước tiến lớn trong tham vọng phát triển tên lửa tái sử dụng của công ty.
"Những gì chúng tôi đạt được ngày hôm nay là thành quả sau nỗ lực lớn từ nhiều nhóm trong Rocket Lab", Giám đốc điều hành Rocket Lab Peter Beck nhấn mạnh. "Đạt được mục tiêu tái sử dụng tầng 1 tên lửa sẽ giúp các sứ mệnh không gian với Electron tiết kiệm chi phí hơn đáng kể. Nó cũng cho phép công ty tăng tỷ lệ sản xuất và tần suất phóng".
Các nhân viên của Rocket Lab đã đưa tầng 1 của Electron lên tàu và mang trở về khu phức hợp sản xuất của công ty. Tại đây, nó sẽ được kiểm tra và phân tích dữ liệu để chuẩn bị cho nhiệm vụ phóng tiếp theo.
Giải thích cho việc thu hồi tên lửa bằng dù, Beck cho biết Electron hơn rất nhiều so với dòng tên lửa Falcon 9 của SpaceX. Nó chỉ cao 18 m và không chứa đủ nhiên liệu để có thể thực hiện các chuyến hạ cánh tự động xuống bãi đáp trên đất liền hay sà lan trên biển giống như những gì SpaceX đang làm.
Sứ mệnh "Return to Sender" cũng đánh dấu chuyến bay thứ 16 của dòng tên lửa Electron. Trong vụ phóng lần này, nó đã đưa thành công 24 vệ tinh SpaceBees của Swarm Technologies lên độ cao 500 km. Công ty có trụ sở ở Canada này đang xây dựng một mạng lưới vệ tinh gồm 150 SpaceBees, nhằm cung cấp dịch vụ liên lạc cho các thiết bị Internet Vạn vật (IoT) trên khắp thế giới.
Sáu vệ tinh còn lại trong sứ mệnh bao gồm hai vệ tinh thương mại Drag Racer của TriSept Corp, hai vệ tinh viễn thám giám sát hoạt động trên biển của công ty Unseenlabs, một vệ tinh khoa học giúp nghiên cứu động đất của Đại học Auckland và một vệ tinh in 3D thử nghiệm của công ty Gnome Chompski.
Đoàn Dương (Theo Space)