Đúng 10h21 sáng nay theo giờ địa phương, tên lửa đẩy Electron đã cất cánh từ Tổ hợp phóng số 1 trên Bán đảo Mahia ở New Zealand, mang theo cùng lúc 10 vệ tinh viễn thám cỡ nhỏ lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp.
Chín trong số 10 vệ tinh là SuperDove của công ty Planet Labs có trụ sở ở San Francisco, Mỹ. Lần phóng bổ sung này đã nâng tổng số thiết bị trên "chòm sao" SuperDove lên 350 chiếc. Đây là mạng lưới vệ tinh quan sát Trái Đất lớn nhất thế giới đang được xây dựng và vận hành bởi Planet Labs.
Phần lớn các vệ tinh trên mạng lưới có kích thước chỉ tương đương một chiếc hộp đựng giày. Chúng có khả năng quan sát vật thể nhỏ tới 3 m trên bề mặt Trái Đất, cho phép ghi lại thiệt hại do động vật và các thảm họa tự nhiên khác.
Vệ tinh còn lại là CE-SAT-IIB của tập đoàn điện tử Nhật Bản Canon. Nó nặng 35,5 kg và được trang bị một kính thiên văn có độ nhạy cực cao, cho phép chụp ảnh Trái Đất vào ban đêm.
Phát ngôn viên của Rocket Lab xác nhận cả 10 vệ tinh đã được triển khai vào quỹ đạo thành công sau khi phóng một tiếng. Chúng sẽ hoạt động ở độ cao khoảng 500 km so với mực nước biển.
Sứ mệnh In Focus đánh dấu vụ phóng thành công thứ 5 trong năm 2020 của mẫu tên lửa hai tầng Electron. Phát ngôn viên của Rocket Lab cho biết công ty có kế hoạch tái sử dụng tầng một của tên lửa trong tương lai gần, giống như những gì SpaceX đang làm với Falcon 9.
Đoàn Dương (Theo Space)