Trước nhiều ý kiến chỉ trích lối chơi và trình độ của U23 Việt Nam sau hai trận hòa không bàn thắng trước UAE và Jordan và mất quyền tự quyết, độc giả Ngược dòng đám đông lại có quan điểm phản biện:
"Thực ra mà nói, chưa chắc hai năm trước, U23 Việt Nam đã đá hay hơn bây giờ. Thậm chí, hai năm trước, hầu hết các trận, chúng ta đều bị dồn ép hơn so với năm nay. Nói về góc độ cảm nhận của CĐV Việt Nam, hai năm trước chúng ta đá với tâm thế đội lót đường, lối đá vẫn vậy (chủ yếu là cù cưa cầm hòa) nhưng vì không kỳ vọng nhiều nên CĐV hò hét sảng khoái, vui vẻ chỉ sau một đường bóng lên được tới vòng 16m50 của đối phương. Năm nay thì khác, sau một vài thành công vừa qua, CĐV mong chờ đội bóng triển khai được lối chơi rõ nét, có thể chơi ngang ngửa thậm chí thắng các đội từng được coi là cửa trên, nên dù kết quả vẫn không khác là bao (vẫn cầm hòa được hai đội mạnh là UAE và Jordan) nhưng lại không đạt được kỳ vọng (ảo tưởng) của CĐV.
Nói về góc độ các cầu thủ, hai năm trước, họ cũng còn là ẩn số, chưa bị đối thủ để ý nhiều. Năm nay các đội đều đã bớt chủ quan, và hơn nữa, họ thi đấu nghiêm túc hơn vì là kỳ chọn đội đá Olympic, nên bất ngờ không có nhiều. Hai năm trước, lối đá vẫn vậy, cố gắng cầm hòa và đợi một vài tình huống lập bập hoặc mang tính cá nhân, chỉ khác là năm nay những tình huống lập bập đó chưa tới, và Quang Hải thì không tỏa sáng như cách đây hai năm".
Cùng chung nhận định đó, bạn đọc Vũ Huy Quang nhấn mạnh những tín hiệu đáng khích lệ của lứa cầu thủ năm nay so với các đàn anh hai năm về trước:
U23 là sân chơi cho các cầu thủ trẻ nên giới hạn độ tuổi, do vậy không có chuyện giải sau mà giữ được toàn bộ đội hình của giải trước mang đi đá. Phong độ cầu thủ ở các giải U vốn không ổn định vì hầu hết là các cầu thủ trẻ ít kinh nghiệm thi đấu quốc tế, nên việc phân loại đội mạnh - đội yếu chỉ mang tính tương đối, cơ bản là qua các trận đấu tại giải U là để phát hiện và bồi dưỡng nhân lực cho ĐTQG. Thành tích của lứa trước là động lực cho các lứa sau, nhưng đừng biến nó thành sức ép cho các cầu thủ.
Việt Nam hoà với các đội Tây Á hai trận vừa qua, tuy chưa đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ nhưng vẫn là kết quả đáng khích lệ. Hãy nhìn vào thế trận trên sân để đánh giá sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam. Trước thời ông Park, đá với mấy đội Tây Á là chúng ta nắm chắc phần thua, còn bây giờ đã có thể đá ngang ngửa, nhưng chưa thắng được họ. Đây là tín hiệu đáng khích lệ. Nâng cao trình độ bóng đá Việt Nam là một quá trình lâu dài nên cần kiên nhẫn.
Trong khi đó, đánh giá về lứa cầu thủ năm nay, độc giả Phạm Thị Diệu Hoa khẳng định đây không phải bước thụt lùi của bóng đá trẻ Việt Nam, thậm chí còn tốt hơn ở nhiều mặt:
Các em có thể không bằng lứa Quang Hải cách đây hai năm nhưng đã tự tin dám đá, dám cầm thế trận hơn rất nhiều so với lứa đàn anh về trước. Đây chắc chắn không phải là bước thụt lùi. Nhìn cách các cầu thủ cố gắng là thấy vững tâm rồi. Thực sự, hồi mới tập trung U23 Việt Nam từng thắng Thái Lan đến 4-0 chẳng qua là nhờ có các đàn anh dẫn dắt lối chơi nên mới được như vậy, các cầu thủ đàn em trong trận đó mờ nhạt và không thể hiện được gì. Nhưng bây giờ, cả một đội hình chỉ còn mỗi Quang Hải và Bùi Tiến Dũng của ngày đó nhưng các cầu thủ đã có thể cầm chắc lối chơi, đá vững vàng với hai đội bóng của Tây Á. Hồi xưa, có ai dám tự tin rằng mình sẽ cầm hoà được họ? Các cầu thủ lứa này, nhiều người chưa có kinh nghiệm thi đấu quốc tế, làm được như vậy là chững chạc rồi.
Hãy nhìn vào quá trình, đừng nhìn vào thành tích mà vội đánh giá, vì điều đó không công bằng. Khi không có một con đường tốt, sẽ luôn cần những thế hệ vàng để Việt Nam có thể toả sáng. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thế hệ vàng để sử dụng. Nhưng khi ta đã có một con đường, một định hướng tốt, bất cứ cầu thủ nào bước đi cũng sẽ êm ái và nhanh hơn. Lúc đó, tự nhiên tài năng và đam mê sẽ tụ hội, sẽ được nâng đỡ để thành công. Tôi nghĩ thầy Park và BHL cũng đang có tầm nhìn như vậy: làm sao để xây được con đường phù hợp nhất cho bóng đá Việt Nam?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.