"Tôi làm shipper buổi tối để kiếm thêm tiền nên thường xuyên có dịp gặp gỡ và nói chuyện với các anh em chạy xe ôm công nghệ.
Tôi làm thêm nên không áp lực, cuốc nào ổn tôi mới đi (ứng dụng tôi chạy cho phép lựa chọn đơn hàng) còn các bạn chạy xe công nghệ như công việc chính, có những đơn hàng phí ship 17-18 nghìn đồng cũng giành giật để chạy. Trong khi đó trừ phần trăm tiền phí cho app ra thì còn chẳng bao nhiêu tiền.
Anh em chạy chủ yếu lấy tiền thưởng, nhiều khi còn có một đơn hàng nữa là hoàn thành chỉ tiêu mà kiếm không ra, sang tuần mới là mất thưởng.
Sở dĩ có tình trạng trên do nhiều người mất việc bao gồm công nhân, nhân viên văn phòng bị cắt giảm nên mới chạy xe công nghệ kiếm sống. Đây không phải nghề chính nên không thể bảo họ chuyển nghề. Nếu về quê sống được họ đã về rồi, ở quê bây giờ cũng dễ gì có việc".
Độc giả Seven Love chia sẻ về việc cạnh tranh khách, đơn hàng của tài xế xe ôm công nghệ và shipper đang gay gắt vì lực lượng tăng nhanh. Theo đó, công nhân mất việc đổ xô chạy xe ôm công nghệ khiến lượng tài xế tăng mạnh, cạnh tranh gay gắt, nhiều người "cày" không dám nghỉ mới có thu nhập sống được.
Độc giả nickname lthaonguyen978 chia sẻ cảm nhận lượng tài xế xe ôm công nghệ đang nhiều: "Ngày nào tôi đi làm cũng chạy qua đường Lê Hồng Phong, đến ngã tư dừng đèn đỏ, xung quanh tôi có năm đến bảy anh mặc áo xe ôm công nghệ, giao hàng, rồi thêm hai, ba chị cũng làm công việc này. Chưa bao giờ tôi thấy thành phố có nhiều xe ôm đến vậy".
Thu nhập không cao song tài xế phải làm việc rất căng thẳng, 95% phải làm việc từ 6-12 giờ mỗi ngày, không có ngày nghỉ dù lễ, tết, chịu áp lực giao sớm, đúng giờ. Hầu hết phải làm việc trong điều kiện vất vả: thời tiết xấu, đường xá, va quệt, tai nạn giao thông; chịu áp lực từ khách hàng; mất, hỏng hàng hóa thậm chí cả vấn đề quấy rối tình dục và nhiều hành vi nguy hiểm khác.
Độc giả oanhmapboi nói: "Biết là cuộc sống đang khó khăn, nhưng chi phí đăng ký đầu vào để chạy xe ôm công nghệ tôi thấy khá cao. Hai lần khách hàng phàn nàn thì tài xế bị đình chỉ, ba lần thì bị dừng ,vậy thì có phải các ứng dụng đang làm khó tài xế hơn không? Tôi thấy những tài xế xe công nghệ càng ngày thiệt thòi, vì đã khó còn chịu quy định khắt khe".
Đại diện thành viên nhóm nghiên cứu của Fairwork Việt Nam, cho rằng số lượng lao động làm việc gắn với các nền tảng đang tăng lên nhanh chóng, chỉ riêng giai đoạn 2014-2019, ước tính khoảng 600.000 tài xế tham gia vào các hãng. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa tài xế và các công ty này vẫn chưa được xác định rõ ràng khiến quyền lợi an sinh của lao động tham gia lĩnh vực này không được đảm bảo.
Nói về vấn đề quyền lợi an sinh của các tài xế xe công nghệ còn thiếu hụt, độc giả Duy Khanh Nguyen bình luận:
"Ban đầu ứng dụng gọi xe công nghệ như Uber, Grap ra đời với mục tiêu là kết nối người có xe đang rảnh rỗi với người cần xe, bản chất nó là một sàn giao dịch P to P và các ứng dụng làm chủ sàn thu phí, giao dịch như kiểu ngân hàng hay gian hàng trong siêu thị. Do đó quan hệ giữa tài xế và ứng dụng không phải quan hệ của người lao động và người sử dụng lao động, nên thật khó đòi hỏi quyền lợi, phúc lợi cho tài xế".
Độc giả có nickname hdphuong69 cho rằng cần có hướng chuyển dịch nguồn cung lao động đang dư thừa vì tình trạng tài xế công nghệ cạnh tranh gay gắt chung quy lại vẫn thuộc bài toán phân bổ lao động:
"Tỷ lệ người lao động bị thất nghiệp ở thời điểm này cao, tính theo từng nhóm độ tuổi lao động và giới tính trong lực lượng lao động ở các vùng miền. Các loại hình công việc mà người lao động dễ dàng tiếp cận lúc này là chạy xe công nghệ, buôn bán nhỏ như cà phê mang đi, bán ăn sáng, hoặc bán hàng online...
Lượng người quá dồi dào đổ vào các công việc tạm dễ tìm, dễ tiếp cận nói trên nên nguồn cung lao động đã vượt cầu của thị trường, dẫn đến sự cạnh tranh mạnh mẽ.
Nếu dịch chuyển một phần lực lượng tạm thời này đến các nơi có việc trong lĩnh vực nông nghiệp như nuôi trồng thủy hải sản và lâm nghiệp, chúng ta sẽ tận dụng một nguồn lực lượng lao động trên.
Điều này sẽ hay hơn lao động co cụm lại ở một vài khu vực dẫn đến cạnh tranh khốc liệt. Bài toán phân bổ sức lao động, phân bổ các nguồn lực sẵn có luôn là một câu chuyện muôn thuở, ở mọi thời điểm khác nhau".
Nhìn về tương lai, độc giả Tran Khoi nói:
"Nếu chất lượng cử nhân loanh quanh ở tiêu chuẩn hiện tại, tôi không biết tương lai sẽ ra sao. Đa phần người có bằng cử nhân chạy xe ôm công nghệ là do không có kinh nghiệm lẫn năng lực làm việc đạt yêu cầu của các công ty. Công việc bây giờ chưa hẳn thiếu nhưng các công ty rất ngại đào tạo gần như từ đầu với trình độ cao đẳng, đại học của các trường hiện tại.
Nhưng nếu công ty đào tạo với mức lương thử việc không thể cao thì các em lại không chịu làm, nên cả tuổi trẻ mãi vẫn chỉ ở một vị trí như thế. Lực lượng này chạy xe ôm công nghệ lại giẫm chân những người không học đại học và nhóm lớn tuổi (U50 trở lên) - vốn dĩ phù hợp với công việc này hơn lại bị cạnh tranh khốc liệt".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.