Nội dung được ông Phạm Mi Sên, tài xế hãng Grab đồng thời là Phó chủ tịch nghiệp đoàn xe ôm công nghệ quận Bình Tân, nói tại buổi giới thiệu báo cáo đánh giá điều kiện làm việc của lao động của 9 nền tảng số do Fairwork (Mạng lưới việc làm công bằng) Việt Nam thực hiện, chiều 26/10.
Chưa đưa ra số lượng cụ thể, song theo ông Sên, các nhà máy giảm lao động, công nhân mất việc chuyển sang chạy xe ôm công nghệ nên lực lượng tài xế "tăng rất nhanh". "Nhiều đến nỗi các hãng trì hoãn nhận tài xế mới", ông Sên nói. Nhiều người đăng ký chờ hai tháng mà chưa được mở tài khoản hoạt động. Vì nguồn cung lao động quá dồi dào nên hãng quay ra siết các quy định khiến tài xế rất dễ bị khóa tài khoản. Tài xế bị khách hàng phàn nàn hai lần sẽ bị tạm đình chỉ, ba lần cắt vĩnh viễn.
"Khi một người trở thành tài xế tức chúng tôi vừa mất khách hàng vừa bị cạnh tranh cuốc", ông Sên nói. Theo ông, để thu nhập tăng 8%, thời gian làm việc của xế phải tăng 50%. Nhiều người làm ngày đêm, không dám nghỉ ngơi, ăn ngủ trên xe mới đảm bảo được thu nhập sống được.
Trước đó khảo sát các vấn đề an sinh xã hội của tài xế công nghệ Grab do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển cộng đồng cùng Oxfam thực hiện, cho kết quả thu nhập bình quân mỗi tháng của tài xế xe máy là 7 triệu đồng. Khoảng 2/3 các tài xế được khảo sát đã có gia đình và 60% trong số này đang nuôi dưỡng từ hai người trở lên.
Thu nhập không cao song tài xế phải làm việc rất căng thẳng, 95% phải làm việc từ 6-12 giờ mỗi ngày, không có ngày nghỉ dù lễ, tết, chịu áp lực giao sớm, đúng giờ. Hầu hết phải làm việc trong điều kiện vất vả: thời tiết xấu, đường xá, va quệt, tai nạn giao thông; chịu áp lực từ khách hàng; mất, hỏng hàng hóa thậm chí cả vấn đề quấy rối tình dục và nhiều hành vi nguy hiểm khác.
Phó chủ tịch nghiệp đoàn xe ôm công nghệ quận Bình Tân cũng chỉ ra hàng loạt bất cập mà tài xế xe công nghệ đang gặp phải, đặc biệt khi bị xếp vào diện đối tác.
"Cái nào thiệt thì tài xế chịu", ông Sên nói. Ví dụ mức chịu thuế, do bị xem là đối tác tức ngang bằng với hãng nên thu nhập của tài xế bị đánh thuế như doanh nghiệp. Trong khi đó hãng chi phối tài xế hoàn toàn thông qua bộ quy tắc ứng xử. Các quy tắc được hãng thay đổi tùy thời điểm mà không hề có ý kiến từ tài xế.
Theo ông Sên, về lý thuyết tài xế được chủ động thời gian làm việc nhưng thực tế chỉ cần tắt ứng dụng (app) 1-2 ngày thì ngay hôm sau khi mở lại sẽ không được "nổ" cuốc, hoặc rất lâu mới được hệ thống "nhả" cuốc.
"Hạn chế nổ cuốc nếu tài xế lười chính là chế tài bắt chúng tôi phải làm việc liên tục", ông Sên nói. Hiện mỗi cuốc xe, tài xế phải chiết khấu cho hãng 20%, trừ thuế theo quy định.
TS Đỗ Hải Hà, thành viên nhóm nghiên cứu của Fairwork Việt Nam, cho rằng số lượng lao động làm việc gắn với các nền tảng đang tăng lên nhanh chóng, chỉ riêng giai đoạn 2014-2019, ước tính khoảng 600.000 tài xế tham gia vào các hãng. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa tài xế và các công ty này vẫn chưa được xác định rõ ràng khiến quyền lợi an sinh của lao động tham gia lĩnh vực này không được đảm bảo.
Fairwork đánh giá điều kiện làm việc công bằng của các hãng thực hiện với tài xế xe công nghệ ở Việt Nam dựa trên 5 tiêu chí như thu nhập, cách đánh giá, quản lý, điều khoản hợp đồng, tiếng nói người đại diện. Kết quả cho thấy, không có nền tảng nào cung cấp bằng chứng rằng tất cả tài xế của mình đều kiếm được thu nhập cao hơn mức lương tối thiểu vùng (TP HCM hiện nay là 4,68 triệu đồng mỗi tháng).
Người lao động phải bỏ chi phí để mua sắm thiết bị làm việc như xe, điện thoại, bảo hiểm y tế. Công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng rất hiếm hãng mua bảo hiểm tai nạn cho tài xế.
Khảo sát cũng chỉ ra mặc dù tài xế được xem là đối tác nhưng các nền tảng giữ quyền lập, sửa đổi các điều khoản hợp tác. Các hợp đồng cho phép các nền tảng tạm dừng, từ chối hoặc chấm dứt quyền lợi của tài xế bất kỳ lúc nào. Các hợp đồng bảo vệ nền tảng một cách rõ ràng khỏi trách nhiệm pháp lý do sơ suất hoặc miễn trừ trách nhiệm pháp lý về điều kiện làm việc một cách vô lý.
Lê Tuyết