Hôm 13/10, lúc 17h20, ẩu đả giữa một ông Tây và một thanh niên mặc áo xe ôm công nghệ đã diễn ra ở ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình, TP HCM.
Nếu không có sự can ngăn của người đi đường thì anh chàng kia bị no đòn bởi ông Tây to lớn, vạm vỡ. Tôi cách xe ông Tây chừng 5-6m nên khẳng định lỗi vi phạm giao thông của anh chàng xe ôm công nghệ là 100%.
Theo luật định, ngã tư hay ngã ba khi có đèn xanh thì xe quẹo phải đi trước, kế đến là xe đi thẳng và cuối cùng là xe rẽ trái. Vừa bật đèn xanh, anh chàng xe ôm công nghệ quẹo trái đụng ngay xe ông Tây đi thẳng, ông Tây hình như ra hiệu lùi lại mà anh chàng lấn tới, thế là hai bên giáp vô "luyện võ".
Tôi thắc mắc tình trạng vi phạm giao thông diễn ra hàng ngày, hàng giờ - tại những địa điểm mà tôi lưu thông - gây giao thông tắc, gây bức xúc cho người lái xe đúng luật, rồi dẫn đến ẩu đả như trường hợp trên, sao không có cơ quan chức năng nào giải quyết? Các địa điểm này là:
1. Các cây cầu đường Trường Sa - Hoàng Sa thuộc quận Tân Bình
Việc phân luồng một chiều tại các cây cầu trên trước đây, tôi cho là hợp lý, và hiếm khi thấy cảnh thiên hạ đi ngược chiều.
Mầy năm gần đây phân lại luồng thì ôi thôi, đường một chiều thành hai chiều, gây kẹt xe tại ngã ba Trường Sa, Hoàng Sa giao với đường Phạm Văn Hai. Sai phạm giao thông diễn ra hàng giờ, nhưng không có CSGT xử phạt, mà chỉ thấy mấy anh bảo vệ dân phố vất vả phân luồng.
Nếu việc phân luồng một chiều không hợp lý thì nên pân luồng lại. Còn không phải xử lý vi phạm hàng giờ tại đây. Không biết qua camera, đã xử phạt bao nhiêu người rồi.
2. Đường Tân Hải, phường 13, quận Tân Bình
Đường Tân Hải là đường hai chiều, nhưng thực tế chỉ là đường một chiều vì người lưu thông từ đường Cộng Hòa rẽ vào Tân Hải, họ lần sang đầy luôn bề rộng chiều kia nên người đi theo chiều ngược lại (tức từ Trường Chinh rẽ vào Tân Hải không lưu thông được và muốn đi tiếp họ phải leo lề.
Sai phạm mỗi ngày, nhưng không ai xử lý vi phạm này.
>> Nghịch lý giao thông Hà Nội: ngõ hẹp thì thông, đường rộng lại tắc
3. Cấm quay đầu tại ngã 3 hẻm 868 Cách Mạng Tháng Tám (CMT8) gần công viên Lê Thị Riêng
Biển cấm quay xe tại đây lù lù, nhưng thiên hạ vẫn quay đầu xe dẫn đến nút này thường kẹt cứng, dẫn đến ngã 3 Ông Tạ cũng kẹt cứng luôn.
Và giống các trường hợp trên, không có ai xử lý vi phạm diễn ra hàng giờ nơi đây.
4. Kẹt cứng ở ngã 3 Ông Tạ
Lý do hoàn toàn do người lưu thông coi thường Luật giao thông:
Người lưu thông trên đường CMT8 hướng từ công viên Lê Thị Riêng về ngã 3 Ông Tạ đã chạy lấn luôn sang chiều kia (mặc dù đã có dải phân cách bằng sắt). Việc lấn chiều này khiến người lưu thông từ Phạm Văn Hai rẽ trái ra CMT8 và hướng từ ngã tư Bảy Hiền đổ về ngã 3 Ông Tạ không chạy được, nếu vào giờ cao điểm thì tại đây, kết hợp với học sinh trường Tân Bình (cách ngã 3 Ông Tạ chừng 30m) là kẹt cứng luôn.
Hẻm 851 CMT8 (cách ngã 3 Ông Tạ khoảng 10m), lẽ ra người lưu thông trong hẻm 851 này ra là phải rẽ phải, nhưng họ lại đâm thẳng ra Pham Văn Hai hay đi ngược lên CMT8 hướng ngã tư Bảy Hiền làm cho ngã 3 Ông Tạ hầu như luôn kẹt cứng. Nhưng không thấy ai xử phạt nơi đây.
4 điểm mà thiên hạ vi phạm giao thông diễn ra liên tục và thường xuyên tại đây, nếu xử phạt qua qua camera và đóng phạt bằng tiền mặt thì có thể máy đếm tiền phải thay liên tục do cháy máy (hoạt động hết công suất).
>> Kẹt xe ngăn nắp, buýt BRT không bị chiếm làn ở Jakarta
5. Ngã tư, ngã 3 khi có tín hiệu đèn xanh là người lưu thông rẽ trái đi đầu tiên
Hầu như tại các ngã tư, ngã ba khi có đèn xanh bật, là người lưu thông rẽ trái ồ ạt qua, thay vì người đi thẳng được đi trước. Đây chính là nguyên nhân chính gây kẹt xe ở ngã tư, ngã ba nhưng thay vì phạt nặng để răn đe thông qua camera, thì CSGT lại điều tiết lưu thông tại đây.
6. Xe ôtô các loại, đặc biệt là buýt chạy vượt qua ngã 3, 4 khi đã đèn tín hiệu nhảy sang đèn vàng hay vừa bật đèn đỏ
Tại các ngã 3, ngã tư, lẽ ra các ôtô, đặc biệt là buýt khi tín hiệu giao thông đã bật đèn vàng (hoặc còn 1-2 giây là chuyển sang đèn đỏ) phải hoặc nên dừng lại để cho bên kia đèn xanh lưu thông, thì họ nhanh chóng nhấn ga để lướt qua và để hàng dài xe chắn ngang giữa đường, và phía có đèn xanh không lưu thông được. Và điệp khúc kẹt xe tứ bề lại vang lên.
Những người tuân thủ luật giao thông, trong đó có tôi, bức xúc vô cùng và lực bất tòng tâm vì đâu được phép phạt người vi phạm giao thông. Từ bức xúc dồn từ ngày này qua năm nọ vì vi phạm giao thông quá nhiều mà không bị xử lý, có thể phải động đến chân tay khi va chạm giao thông, và rồi có thể người chết, kẻ bị thương và tù tội, gây ra bao cảnh lầm than.
Nhìn cảnh ông Tây cao lớn đánh thanh niên mặc đồ xe công nghệ nhỏ bé kia tới tấp và rồi hai bên giao chiến, nếu không có sự can ngăn của người đi đường, không biết hậu quả sẽ ra sao?
Lỗi chính vẫn là do anh mặc áo xe công nghệ kia đi sai còn ngang bướng, nhưng hình ảnh đánh nhau trên đường khiến con trẻ chứng kiến những việc không đẹp kia. Con nhỏ tôi hỏi: Sao hai chú kia đánh nhau vậy ba? Tôi không biết trả lời làm sao.
Điều tôi thắc mắc rằng: Những người bà con tôi đang định cư ở nước ngoài, họ rất sợ vi phạm giao thông, do vậy buộc họ phải chấp hành nghiêm chỉnh, mặc dù đất nước họ sống diện tích nhỏ bé, và phố xá cũng nhỏ, hẹp.
Còn tại Việt Nam, vi phạm giao thông diễn ra từng giây từng phút, gây chết người, thương tật, đánh nhau, gây ách tắc giao thông, cứu người bệnh nguy cấp bị chậm trễ, trễ giờ làm bị trừ lương...
Câu trả lời chắc phải từ cơ quan chức năng.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.