Theo Sina, việc người già nghiện Internet không chỉ mang đến những tác động tiêu cực về thể chất. Thuật toán của các ứng dụng còn khiến họ ngày càng sống khép kín và tự cô lập mình trong thế giới trực tuyến. Các vụ lừa đảo tài chính nhắm vào "người tóc bạc" cũng gia tăng mạnh ở Trung Quốc.
Zhang Meng, sống ở Thạch Gia Trang, tải một ứng dụng tin tức về máy cho cha mình. Sau một tuần, nội dung hiển thị được gợi ý trên trang chủ của hai người đã hoàn toàn khác nhau. Trong phần lịch sử, cha của Meng có xu hướng tìm kiếm các từ khoá như "mật báo", "lịch sử bí mật"... "Cha tôi thích đọc các bài báo về lịch sử nhưng ông không biết độ chính xác của thông tin. Ông xem tất cả ảnh và đọc bình luận. Điều này khiến mọi người rất lo lắng", Meng nói.

Một tình nguyện viên hướng dẫn người phụ nữ lớn tuổi sử dụng smartphone ở Giang Tô. Ảnh: IC
Sina cho biết, những nội dung lan truyền và thất thiệt có tác động sâu sắc đến người cao tuổi. Nhiều người tin tất cả những gì họ tiếp cận được trên Internet và truyền đạt lại cho thế hệ trẻ.
Wu Yanmin, chuyên gia tâm lý tại Bệnh viện Nhân dân Thạch Gia Trang, nói: "Internet đã phá vỡ ranh giới về không gian và thời gian. Nhưng những người cao tuổi nghiện Internet thực sự đang sống cô lập, không tiếp xúc với xã hội. Thực tế, điều này đang gây ra những phân tầng xã hội sâu sắc".
Năm 2019, Tencent cho biết đã nhận được hơn 20.000 báo cáo về các cuộc lừa đảo nhắm vào người trung niên và cao tuổi trong một năm. Thiệt hại của các vụ dao động từ vài nhân dân tệ đến hàng chục nghìn dân dân tệ.
Theo thống kê của Công an thành phố Thiên Tân, nhóm người cao tuổi chiếm tỷ lệ nhỏ trong các vụ gian lận mạng viễn thông, nhưng quy mô mỗi vụ lừa đảo lại rất lớn. "Người già thường tuyệt vọng hơn sau khi bị lừa hết của cải. Một mặt, sức khoẻ không cho phép họ kiếm lại khoản tiền đã mất. Mặc khác, họ dễ bị cô lập, không biết liên hệ hoặc nhờ ai giúp đỡ", đại diện phòng cảnh sát ở Thạch Gia Trang cho biết.
Vấn đề nghiêm trọng hơn với người già mê Internet là sức khoẻ. Cui Wenjie, 68 tuổi, sống tại Thiên Tân, cho biết: "Năm ngoái, tôi từng cảm thấy chóng mặt và đau cổ sau khi điện thoại quá lâu. Ngồi lâu thì khó chịu nhưng không ai quan tâm đến tôi. Tôi có thể chơi điện thoại hơn 8 tiếng mỗi ngày".
Bác sĩ Sun Zhaohui tại Bệnh viện Nhân dân Thạch Gia Trang cho biết, số lượng người cao tuổi đến gặp khám mắt ngày càng tăng. Một trong các nguyên nhân là họ tiếp xúc với thiết bị điện tử trong thời gian dài. "Người già nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại di động quá lâu dễ gây khô mắt. Nếu xem điện thoại di động trong bóng tối, độ tương phản quá lớn giữa môi trường và ánh sáng màn hình sẽ gây hại nghiêm trọng cho mắt", Zhaohui nói.
Bên cạnh đó, nhiều người cao tuổi thường tra cứu thông tin trên Internet trước khi đi khám bệnh. Do tin "bác sĩ Google" và khó phân biệt được thật giả, nhiều người đi khám bệnh trong tâm thế hoài nghi và chậm trễ điều trị.
Các chuyên gia cho rằng nhà phát triển ứng dụng, sản xuất nội dung online nên tuân thủ các bộ quy tắc phù hợp cũng như phát triển tính năng riêng dành cho người lớn tuổi. Ngoài ra, cũng nên có những khoá học về sử dụng Internet an toàn cho nhóm "người tóc bạc trên không gian mạng".
Khương Nha (theo Sina)