Bàn về "mảng sáng - tối" của mỏ vàng dữ liệu trên Internet của người Việt, các diễn giả trong phiên thứ năm của CTO Talks đều chung nhận định rằng phần lớn người dùng Việt Nam vẫn chưa thật sự ý thức được việc tự bảo vệ dữ liệu cá nhân khi dùng mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung.
"Ví dụ gần nhất là sau ngày bầu cử hôm 23/5, nhiều người vẫn chụp ảnh thẻ cử tri của mình, đăng tải lên mạng xã hội mà không ẩn thông tin cá nhân. Trên đó có đầy đủ thông tin cá nhân từ tên, tuổi cho đến địa chỉ chính xác", Nguyễn Chí Thanh - Trưởng ngành Công nghệ dữ liệu lớn tập đoàn Viettel chia sẻ.

Bốn diễn giả trong phiên thứ năm của CTO Talks bàn về "mỏ vàng" dữ liệu trên Internet.
Chung quan điểm với lãnh đạo công nghệ trẻ của Viettel, Nguyễn Quốc Việt - CTO Fado.vn cho biết hình ảnh cá nhân một khi đã được đưa lên Internet thì người dùng sẽ vĩnh viễn mất đi quyền kiểm soát. "Dù sau đó bạn có xoá đi thì cũng đã có nhiều người, nhiều nền tảng lưu lại hình ảnh đó và dùng vào những mục đích không ngờ", Quốc Việt nói.
Giám đốc công nghệ của Fado.vn cũng lưu ý người dùng phải suy nghĩ thật kỹ trước khi đăng tải bất kỳ thông tin cá nhân nào lên Internet. Ngay cả với những ứng dụng, nền tảng, người dùng cũng phải đọc kỹ các điều khoản. "Ví dụ một ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh nhưng yêu cầu người dùng cấp quyền truy cập vào danh bạ, tin nhắn thì chắc chắn đây là dấu hiệu đáng ngờ, người dùng nên từ chối ngay", anh lưu ý.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở bức tranh tổng thể, việc người dùng chia sẻ thông tin cho các nền tảng, ứng dụng là xu thế tất yếu để nhà phát triển có thể mang đến những trải nghiệm dịch vụ tốt hơn. Là người từng làm việc trong những tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, McKinsey, Fossil, Go-Viet trước khi về khởi nghiệp với quỹ đầu tư Alabaster, bà Lê Diệp Kiều Trang cho rằng một trong những việc quan trọng nhất trong kỷ nguyên số là làm sao để người dùng hiểu hơn về giá trị dữ liệu thay vì hoang mang, lo sợ khi nghe ứng dụng nào đó "ăn cắp dữ liệu" người dùng.
"Giống khi thế giới phát minh ra máy bay, chắc chắn khi ấy mọi người đều sợ đi máy bay, như bây giờ sợ phải chia sẻ dữ liệu. Nhưng nếu không có máy bay, con người không thể sống và làm việc trong thế giới hội nhập như hiện nay. Tương tự việc lên máy bay, đến lúc người dùng phải quyết định chia sẻ thông tin. Nhưng để quyết định được, họ phải có thực sự hiểu việc thu thập dữ liệu để làm gì, phục vụ việc gì, thay vì chỉ hoang mang lo sợ", bà Trang chia sẻ.
Đứng ở góc độ nhà phát triển ứng dụng lẫn cung cấp các giải pháp bảo mật, ông Trần Việt Hải, Phó chủ tịch tập đoàn Bkav cho rằng việc thu thập dữ liệu nên được nhìn nhận từ hai phía. Đầu tiên, dữ liệu được thu thập sẽ giúp nâng cao trải nghiệm, đem đến nhiều dịch vụ mới cho người dùng. Tuy nhiên, người dùng khi cung cấp dữ liệu phải ý thức được những gì có thể cho đi. Về phía nhà phát triển sản phẩm, phải minh bạch thông tin thu thập, cam kết chỉ dùng vào việc phát triển sản phẩm, không bán dữ liệu cho bên thứ ba. Nhà phát triển ứng dụng phải cho người dùng được quyền lựa chọn cung cấp dữ liệu hoặc từ chối. "Trong trường hợp nhà phát triển ứng dụng không cho người dùng được quyền lựa chọn, người dùng có thể lập tức rời bỏ ứng dụng. Đây là bài toán hai chiều, đôi bên cùng có lợi", ông Hải khẳng định.
Cả bốn diễn giả trong CTO Talks đều cho rằng việc thu thập dữ liệu là vấn đề quan trọng với doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, không phải công ty nào ở Việt Nam cũng ý thức được vấn đề này.
"Đã đến lúc các lãnh đạo công ty phải ý thức rằng dữ liệu là một loại tài sản, quan trọng như văn phòng, con người để bảo vệ và khai thác. Việc này không chỉ đến từ hành động của các lãnh đạo công nghệ mà còn phải có sự thay đổi trong nhận thức của người lãnh đạo tổ chức, các CEO chứ không chỉ là CTO", Nguyễn Chí Thanh nói.
Video phiên thảo luận về mảng "sáng - tối' trong mỏ vàng dữ liệu trên Internet diễn ra sáng 28/5 trên VnExpress.
Khương Nha