Theo Global Times, bốn nhân viên giam giữ người trái phép gồm Wu, Ren, Zhang và Qu. Tòa án địa phương tuyên án Wu 3 năm tù, Ren nhận 2 năm 7 tháng tù, Zhang bị một năm 10 tháng tù và Qu bị kết án 11 tháng tù.
Bốn người trên làm việc tại một trung tâm cai nghiện Internet có tên "Học viện Yuzhang". Theo một học viên tên Xuan từng bị giam giữ, nhân viên của học viện đã đưa anh đến "căn phòng nhỏ màu đen", bên trong chỉ có một chiếc chăn và một chậu dùng để đi vệ sinh. "Tôi đã bị theo dõi mọi lúc", Xuan nói. Những người bị giam giữ đã sống trong những căn phòng như thế 10 ngày.
Theo Reuters, Học viện Yuzhang là một trong hàng trăm mô hình kiểu "trại cai nghiện Internet" được mở trên khắp Trung Quốc trong hơn mười năm qua. Hình thức này bùng nổ mạnh mẽ sau khi nước này chính thức công nhận nghiện Internet là một chứng rối loạn tâm thần vào năm 2008.
Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia có số người dùng Internet lớn nhất thế giới, với hơn 900 triệu người. Khoảng 200 triệu người trong đó có độ tuổi từ 15 đến 35. 90% trẻ dưới 18 tuổi dùng Internet, trong đó, nhiều trẻ nghiện game nặng.
Những người nghiện Internet thường được gia đình đưa đến các trại cai nghiện để điều trị, nhưng không phải tất cả trại cai nghiện đều đạt chuẩn. Một số nơi đã áp dụng các chương trình điều trị nguy hiểm, như liệu pháp chống tĩnh điện (ECT). Năm 2014, một cô gái 19 tuổi đang cai nghiện tại một trung tâm ở thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) chết sau khi bị nhân viên tại đây đánh đập.
Để ngăn chặn tình trạng nghiện Internet, gần đây chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra một số quy định mới. Trong đó, trẻ vị thành niên bị cấm chơi game online từ 10h tối đến 8h sáng. Tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh quy định trẻ dưới 18 tuổi chỉ được chơi game 90 phút ngày thường hoặc tối đa 3 tiếng vào cuối tuần.
Tháng 5/2019, chính phủ Trung Quốc cũng giới thiệu hệ thống chống nghiện Internet cho trẻ em, bằng cách thêm "chế độ vị thành niên" vào 18 trang web phổ biến. Tuy nhiên, tính hiệu quả chưa được công bố.
Bảo Lâm