Trả lời:
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa, do các chủng virus cúm A phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9 gây nên. Trong đó, chủng A/H7N9 và A/H5N1 lưu hành ở gia cầm và có nguy cơ lây sang người, trở thành dịch.
Trẻ mắc cúm A thể nhẹ có biểu hiện như sốt từ 38 độ C, nhức đầu, mỏi cơ, lười vận động; ho, đau họng, chảy mũi, ngạt mũi.
Bệnh cúm A diễn biến nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và có thể bùng thành đại dịch. Bất kỳ ai cũng có thể mắc cúm A. Tuy nhiên, nhóm dễ mắc và nguy cơ biến chứng nặng hơn là người trên 65 tuổi; trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới hai tuổi; người có bệnh nền như huyết áp, tim mạch, bệnh phổi mạn tính...; phụ nữ mang thai, người bị suy giảm miễn dịch (HIV, sử dụng corticoid kéo dài).
Khi có biểu hiện nặng như sốt cao từ 39 độ trở lên, dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng, trẻ li bì, mệt mỏi, kém ăn, bỏ ăn, nôn trớ, chân tay lạnh, co giật hoặc khó thở, thở nhanh... cần đến viện kiểm tra. Các biến chứng cúm A có thể gặp là viêm tai giữa, viêm thanh khí - phế quản, viêm phổi, nặng hơn là suy hô hấp, viêm màng não, viêm cơ tim...
Cúm A lây truyền qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi... giọt bắn mang virus thoát ra, người lành hít vào có thể nhiễm bệnh. Sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt hoặc tiếp xúc chung bề mặt với người bệnh sau đó đưa tay lên mũi, miệng; tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh (gia cầm) cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Gia đình nên vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên cho trẻ, xịt khử khuẩn đồ dùng, đồ chơi của trẻ, vệ sinh nơi ở. Tránh cho trẻ tiếp xúc với người mắc cúm hoặc nghi ngờ mắc cúm.
Tiêm vaccine phòng cúm cho trẻ đúng lịch. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc Tamiflu khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Huy Tần
PGĐ Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội