Biếng ăn ở trẻ em rất thường gặp, chiếm đến 40% lý do trẻ được đưa đến bác sĩ. Tỷ lệ biếng ăn cũng khá cao ở các nước như Mỹ, Anh, Trung Quốc.
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Khoa Nhi, Bệnh viện Quốc tế City, cho biết cha mẹ cần hiểu đúng về biếng ăn và xác định con mình có đúng là biếng ăn hay không. Trẻ biếng ăn là khi ăn ít hơn 60% nhu cầu cần ăn và biểu hiện này phải kéo dài từ một tháng trở lên. Biếng ăn sẽ dẫn đến tình trạng chậm tăng trưởng, chậm tăng cân.
Bác sĩ Dung cho biết, trẻ biếng ăn được chia làm 3 nhóm chính. Nhóm trẻ biếng ăn thật sự là không có cảm giác ngon miệng, hầu như không cảm thấy đói. Nhóm trẻ kén ăn là chỉ có thể ăn một số món nhất định và không chịu thử hay ăn những món khác. Nhóm trẻ sợ ăn là tới bữa ăn sẽ khóc, chỉ cần thấy đĩa đồ ăn đã thấy muốn buồn nôn.
Nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn
Trẻ mắc các bệnh như viêm họng, hô hấp...
Thiếu vi chất cũng làm bé không có cảm giác ngon miệng.
Do tâm lý, bé đến tuổi thích chơi hơn thích ăn hoặc bé buồn, xa ba mẹ nên chán và không có cảm giác thèm ăn.
Bé bị tổn thương về đường tiêu hóa.
Ba mẹ chưa đúng về cách chế biến món ăn khiến bé bị ngán.
Giải pháp cho trẻ hết biếng ăn
Ba mẹ phải có sự hợp tác và kiên nhẫn theo nguyên tắc:
- Giúp con có cảm giác đói bụng. Chia các cữ ăn nên cách 3-4 tiếng. Giữa các cữ này không cho con ăn vặt như bánh, nước trái cây, sữa...
- Một bữa ăn phải giới hạn thời gian 20-30 phút, không cố ép bằng được khiến trẻ sợ hãi.
- Chỉ cho con ăn khi đói bụng và ngừng ăn khi đã no. Cha mẹ nên tôn trọng sở thích ăn uống của con.
- Nên tập trung vào chất lượng hơn là số lượng.