Ông Lộc, 62 tuổi, ở TP HCM, mắc Covid-19 hồi tháng 1, triệu chứng ho nhiều có đờm, khó thở, đau tức ngực, đo SpO2 (nồng độ oxy máu mao mạch) có lúc giảm còn 92%. Bác sĩ hướng dẫn điều trị tại nhà, uống thuốc, hỗ trợ thở oxy, nằm sấp, vỗ lưng, tình trạng khó thở cải thiện dần. Một tuần sau, ông xét nghiệm âm tính, hết triệu chứng.
Gần hai tháng sau khỏi bệnh, ông Lộc ho trở lại, đờm xanh, sốt 39-40 độ, mệt mỏi, khó thở, chân trái sưng đau nóng, khó cử động. Bác sĩ chẩn đoán xuất hiện cục máu đông ở chân trái của ông gây thuyên tắc tĩnh mạch và viêm phổi nặng, có nốt xơ hóa - những di chứng Covid kéo dài. Bệnh nhân nhập viện, điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng đông, hỗ trợ thở oxy, tập vật lý trị liệu..., cục máu đông trong tĩnh mạch chân tan, mạch máu được tái thông, phổi hết viêm. Về nhà ông Lộc vẫn tiếp tục dùng thuốc kháng đông, tập thở, bổ sung dinh dưỡng và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Chị Huỳnh Thu Ngân, 27 tuổi, nhân viên văn phòng ở TP HCM, sau khỏi Covid-19 bị rụng tóc nhiều, đau đầu, khó thở khi leo cầu thang, mệt mỏi kéo dài... nhưng không đi khám. Chị cho biết vài năm trước chị mắc sốt xuất huyết, viêm phổi cũng gặp tình trạng tương tự, ít lâu sau hết. Do đó, lần này Ngân tăng cường tập yoga, bổ sung vitamin và khoáng chất, ngủ sớm, các triệu chứng khó chịu giảm dần.
Tuy nhiên, bố mẹ Ngân ở Quảng Nam thì không nghĩ như vậy. "Bố mẹ tôi sợ di chứng hơn cả sợ mắc Covid", Ngân cho biết. Bố mẹ cô mắc Covid-19 tương đối nhẹ, vừa âm tính, không có bệnh nền, hiện còn ho và đau đầu. Ông bà cùng 5 người thân quyết định thuê xe vào TP HCM khám di chứng.
Thời gian qua cả nước ghi nhận một số trường hợp mắc di chứng hậu Covid-19 nặng nề, như đột quỵ nhồi máu não, thuyên tắc phổi dẫn đến ngưng tim, phổi tổn thương, xơ hóa, phải lệ thuộc máy thở... Giữa tháng 3, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, Hà Nội, nữ bệnh nhân 62 tuổi tử vong do tổn thương phổi nặng. Các bác sĩ cho rằng nhiều người chủ quan với các triệu chứng Covid kéo dài, nặng, nhập viện trễ, khó điều trị, như hai bệnh nhân trên. Nhiều người khác lo lắng quá mức, đi khám sau khỏi bệnh kể cả không có triệu chứng bất thường.
Bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết vài tháng nay Phòng khám hậu Covid-19 tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày. Một số trường hợp mắc di chứng nhẹ, một số không có triệu chứng nhưng chưa hiểu đúng về hậu Covid-19, quá lo lắng, sợ hãi nên đi khám. Trong khoảng 7.000 bệnh nhân khám tại viện thời gian qua chỉ 10 người cần nhập viện điều trị hậu Covid-19. Họ đa số lớn tuổi, có bệnh nền đái tháo đường, tim mạch, ung thư, từng phải thở oxy ở giai đoạn Covid cấp tính, một số ít trẻ tuổi mắc bệnh nhẹ.
Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết các nghiên cứu trên thế giới cho thấy 80% F0 có ít nhất một triệu chứng bất thường trong 4 tuần đầu mắc Covid, như mệt mỏi, ho, tức ngực, rụng tóc, mất ngủ, khó tập trung, nhức đầu... Chúng không nguy hiểm đến tính mạng, được cơ thể tự điều chỉnh và chữa lành trong vòng ba tháng. Khả năng hồi phục tốt nhất là trong tháng đầu tiên sau khỏi bệnh.
"Người mắc di chứng hậu Covid-19 mức độ nặng chiếm tỷ lệ thấp", bác sĩ Thơ nói. Các di chứng hậu Covid-19 nghiêm trọng và có thể nguy hiểm tính mạng gồm: Tổn thương phổi (xơ phổi, xẹp phổi); tim mạch (tăng đông máu làm xuất hiện cục máu đông dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc phổi); tổn thương thận; di chứng tâm thần kinh (mất ngủ, đau đầu, lo âu, trầm cảm). Riêng ở trẻ em có thể xuất hiện hội chứng MIS-C.
Những vấn đề sức khỏe xảy ra sau Covid-19 đến nay vẫn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem là hiện tượng khoa học chưa thể lý giải. Thông thường, người bệnh khỏi Covid-19 sau hai đến 6 tuần. Một số người, virus gây triệu chứng kéo dài hàng tuần hoặc vài tháng sau khi đã âm tính. Người không nhập viện hoặc bị bệnh nhẹ cũng có thể gặp triệu chứng dai dẳng, một số phát triển biến chứng ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. WHO gọi những vấn đề sức khỏe sau Covid-19 là Triệu chứng hậu Covid hoặc Hội chứng Covid kéo dài (Long Covid).
Từ tháng 2/2021, WHO tổ chức nhiều buổi tham vấn quốc tế với các chuyên gia nhằm đi đến khái niệm chung về tình trạng trên cũng như các dạng phụ của nó. Định nghĩa của WHO về Covid-19 kéo dài là: "Tình trạng hậu Covid xảy ra ở người có tiền sử nhiễm nCoV, thường là ba tháng kể từ khi bắt đầu mắc Covid-19, các triệu chứng kéo dài ít nhất hai tháng, không thể giải thích nguyên nhân bằng chẩn đoán".
WHO ghi nhận hơn 200 triệu chứng sau Covid đã được báo cáo. Trong đó, ba triệu chứng phổ biến gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức. Các triệu chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, có thể khởi phát sau khi hồi phục hoặc kéo dài từ đợt nhiễm bệnh cấp tính, có thể thay đổi và tái phát theo thời gian.
Diễn tiến bệnh Covid-19 chia ba giai đoạn. Giai đoạn cấp tính là kể từ khi có triệu chứng, test nhanh dương tính, thường dài khoảng 4 tuần. Từ 4 tuần đến 12 tuần là giai đoạn Covid-19 vẫn tiến triển, xét nghiệm âm tính nhưng bệnh chưa khỏi hoàn toàn. Sau 12 tuần được xem là giai đoạn hậu Covid-19. Như vậy, Hội chứng Covid kéo dài bao gồm cả giai đoạn tiến triển và hậu Covid-19, tức từ 4 tuần đến 12 tuần trở lên.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ gọi Hội chứng Covid-19 kéo dài là "Tình trạng hậu Covid-19". Tại Việt Nam, khái niệm hậu Covid-19 hay Covid kéo dài được sử dụng tương đương, tính từ 4 tuần đến 12 tuần trở lên, theo bác sĩ Vinh.
"Theo định nghĩa của WHO thì số lượng người thực sự mắc Hội chứng Covid-19 kéo dài ở Việt Nam không nhiều", bác sĩ Vinh nhận định. Trên thực tế bác sĩ khám hậu Covid cho nhiều bệnh nhân đánh giá sức khỏe không đáng lo ngại, không cần xét nghiệm chuyên sâu, nên không kê thuốc điều trị. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân vẫn đề nghị "xét nghiệm cho yên tâm". "Những trường hợp này xét nghiệm là không cần thiết, lãng phí tiền bạc và thời gian cũng như gây áp lực tâm lý cho bệnh nhân", bác sĩ Vinh nói.
Bác sĩ Thơ cũng cho rằng nhiều người có tâm lý "đổ lỗi" các bất thường sức khỏe do Covid-19 mà bỏ qua nguyên nhân thực sự là bệnh lý khác. Ví dụ, họ có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, sau Covid không may bị đột quỵ lại quy "thủ phạm" là di chứng. Do đó, những người có bệnh nền thay vì khám hậu Covid-19 thì hãy tầm soát sức khỏe định kỳ để chẩn đoán và có phương án điều trị phù hợp.
Chuyên gia khuyên người không có triệu chứng, vẫn làm việc, sinh hoạt bình thường thì không cần đi khám hậu Covid-19. Nếu các triệu chứng mệt mỏi, ho, đau rát họng, rụng tóc, khó ngủ, thở nặng, đánh trống ngực... kéo dài sau 4 tuần không thuyên giảm nên đi khám. Trường hợp có một trong các triệu chứng: Khó thở nhiều, ho ra máu, SpO2 tụt dưới 94%; đau ngực trái với các cơn đau tăng dần; đau đầu càng nặng, kèm nôn ói kèm yếu tay chân, liệt mặt; đau bụng dữ dội; hoặc con trẻ sốt cao không giảm, li bì, khó đánh thức, cơ thể nổi ban đỏ... cần đến bệnh viện ngay.
"Tuyệt đối không tự bắt bệnh, mua thuốc không rõ nguồn gốc hay chất lượng về tự chữa hậu Covid", bác sĩ Thơ nói.
Thư Anh - Thục Linh