Với chiêu quảng cáo ''đội ngũ giáo viên 100% nước ngoài'' nhiều trung tâm Anh ngữ tại Việt Nam đẩy mức học phí "lên trời". Làm ăn phát đạt, thị trường phát triển mạnh, những trung tâm Anh ngữ mới mọc như nấm.
Tôi hay nghe người ta nói muốn học tiếng Anh chuẩn một cách hiệu quả thì phải học với giáo viên bản ngữ. Bởi theo họ, đa phần giáo viên Việt Nam phát âm không chuẩn, phương pháp dạy lạc hậu, chú trọng ngữ pháp nặng nề trong khi ngày nay người ta có nhu cầu học kỹ năng giao tiếp. Nhiều phụ huynh không ngại bỏ thêm tiền để con học với giáo viên bản xứ: hay gọi cho đúng hơn, giáo viên nước ngoài đến từ phương Tây.
Dĩ nhiên, chúng ta không thể bàn cãi rằng giáo viên bản ngữ có một số lợi thế vượt trội. Thứ nhất, họ có kiến thức ngôn ngữ bản địa sâu rộng hơn và cho người đọc cơ hội tiếp thu tiếng Anh chuẩn, đặc biệt về mặt phát âm. Thứ hai, họ thường dạy theo phương pháp giao tiếp vui nhộn, chú trọng phát triển kỹ năng nói thay vì tập trung vào ngữ pháp và làm bài tập dài dòng. Thứ ba, họ thông thạo văn hoá các nuớc nói tiếng Anh (hay gọi là văn hóa phương Tây) và có thể giúp học sinh Việt tìm hiểu về phong tục tập quán và cuộc sống hàng ngày của phương Tây.
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng yếu tố ''bản xứ'' không đủ để một giáo viên có khả năng dạy tốt. Bên cạnh đó còn nhiều yếu tố quan trọng nữa như kinh nghiệm giảng dạy, trình độ chuyên môn, tính cách của giáo viên, khả năng hiểu những nhu cầu và khó khăn của người Việt, khả năng thông cảm và truyền cảm hứng... Dù đến từ đâu, một giáo viên tốt phải sở hữu nhiều năng lực nhất định.
Do nhu cầu học với giáo viên bản xứ ngày càng cao, nhiều trung tâm Anh ngữ muốn lợi dụng tình hình thị trường để kiếm tiền và họ sẵn sàng tuyển bất kỳ giáo viên nước ngoài nào mà không thực sự thắc mắc chất lượng giảng dạy của họ. Biết nói tiếng Anh và có ngoại hình Tây (ưa nhìn) là được rồi (tóc vàng, da sáng, mắt xanh thì càng tốt). Họ sẽ chạy theo lợi nhuận và quản lý lỏng lẻo, hứa nhăng hứa cuội với phụ huynh. Nhưng chẳng sao, quan trọng là con vui! Và họ sẽ đẩy mạnh quảng cáo ''đội ngũ giáo viên 100% nước ngoài'' như liều thuốc thần kỳ cho bệnh tật tiếng Anh của người Việt.
Hiện tượng này đã tạo ra cả một cộng đồng giáo viên "Tây ba lô" với lương trung bình hai mươi đô-la một giờ. Họ không chỉ dạy ở các trung tâm Anh ngữ mà ở cả nhiều trường học công. Họ vừa muốn kiếm tiền một cách dễ dàng vừa muốn tận hưởng lối sống thoải mái ở Việt Nam. Hơn nữa, họ được gọi là ''thầy'' và được cả xã hội quý trọng dù nhiều trong số họ không hề làm nghề này trước khi đến Việt Nam.
Họ thích nghi khá nhanh với lối sống Việt Nam, thường đi xe máy và thích đi phượt trong ngày lễ. Nhiều khi họ chỉ làm giáo viên ở Việt Nam một thời gian ngắn (6-12 tháng), tiết kiệm một số tiền rồi sang nước khác.
Trong hơn năm năm qua, tôi đã gặp không ít "giáo viên" như vậy. Và dù người Việt thường không thích nói về vấn đề này, tôi cảm thấy cần thiết phải làm sáng tỏ một vài điều.
Thứ nhất, nhiều giáo viên ''Tây ba lô'' thiếu bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn nên họ không được xin giấy phép lao động. Do vậy, họ làm việc chui, lao động bất hợp pháp và không đóng thuế. Để che đậy tình hình, nhiều chủ trung tâm phải đút lót những viên chức nhà nước để họ ngoảnh mặt làm ngơ, điều góp phần làm gia tăng tệ nạn tham nhũng trong nước.
Thứ hai, có một số phụ huynh bị bất ngờ khi đến trường, thấy giáo viên của con mình trông không hẳn như họ tưởng, ăn mặc một cách tùy tiện, không thực sự chuyên nghiệp. Những trường hợp như vậy bôi nhọ uy tín của những giáo viên đích thực như tôi. Bởi bên cạnh những giáo viên ''Tây ba lô'' như đã nói ở trên, ở Việt Nam cũng có rất nhiều giáo viên nước ngoài có chứng chỉ chuyên môn, có thái độ làm việc tận tụy và có trách nghiệm với nghề nhà giáo. Ở phương Tây cũng như ở Việt Nam, có người tốt và người xấu, có giáo viên tốt và giáo viên không tốt. Tôi mong rằng người Việt sẽ luôn biết cách phân biệt hai loại đó.
Thứ ba, chúng ta phải công nhận rằng bất chấp những nỗ lực và hy sinh về tài chính của nhiều phụ huynh, trình độ tiếng Anh của người Việt chưa tiến bộ như mong đợi. Ví dụ cách đây không lâu chúng ta được biết rằng năm nay Việt Nam tụt xuống 52 trong bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ lớn nhất thế giới. Chúng ta phải tiếp cận vấn đề tiếng Anh một cách phản biện hơn, hiểu rằng không có một phương thuốc thần diệu nào và sự hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giáo trình, phương pháp dạy học, động lực và thái độ của học sinh chứ không chỉ vào quốc tịch của giáo viên. Bên cạnh đó, các trung tâm và trường học Việt Nam phải tuyển giáo viên nước ngoài dựa trên những tiêu chí nghiêm ngặt và khách quan, lưu ý đến các kỹ năng giảng dạy thay vì ưu tiên ngoại hình hay quốc tịch.
Đồng thời, phụ huynh phải tìm hiểu rõ hơn về các tiêu chuẩn chuyên nghiệp của trung tâm trước khi quyết định bỏ tiền đầu tư. Thay vì đặt mọi kỳ vọng vào giáo viên, phụ huynh phải hiểu rằng thái độ, động lực và thói quen học tập của con luôn luôn sẽ yếu tố quyết định.
Cuối cùng, theo những gì tôi biết, một số trung tâm Anh ngữ lớn ở Việt Nam kỳ thị giáo viên Việt Nam dưới một hình thức nào đó: ví dụ, họ có thể không xem xét những đơn xin việc của giáo viên trong nước và chỉ thuê giáo viên ngoại quốc. Tôi quen không ít giáo viên Việt đã có đủ trình dộ, nói tiếng Anh rất chuẩn và thậm chí đã từng du học ở Nước Anh, và họ vẫn cảm thấy mình bị kỳ thị do quốc tịch của mình. Đây là một vấn đề khó xử vì những trung tâm biện minh rằng lý do là do phụ huynh yêu cầu giáo viên nước ngoài.
Dù sao, tôi có cảm giác nhiều người Việt vẫn có xu hướng tự cảm thấy thấp kém và lép vế đến mức họ có thể tự kỳ thị chính mình. Tại sao nhiều người Việt vẫn có xu hướng sính ngoại, coi cái gì đến từ nước ngoài cũng tốt hơn mình?
Marko Nikolic
(Nguyên tác tiếng Việt)