Chia sẻ về câu chuyện "Sinh viên chê cách dạy tiếng Anh ở trường đại học", nhiều độc giả VnExpress cho rằng nguyên nhân không chỉ đến từ phương pháp giáo dục mà còn bắt nguồn từ chính thái độ thiếu nghiêm túc của người học:
Tôi thấy quan điểm về việc học tiếng Anh của sinh viên hiện nay đang khá sai. Việc bố trí học phần là rất chính xác khi nhấn mạnh lại kiến thức nền tảng ở học phần cơ bản và nâng cấp nó lên ở học phần nâng cao. Các bạn học trung cấp, cao cấp sao được khi nền tảng chưa vững. Đó là còn chưa kể nhiều bạn sinh viên đến từ các vùng không có điều kiện học tiếng Anh, kiến thức của các bạn bằng 0 theo đúng nghĩa đen. Sau khi học xong sơ cấp bạn cần phải tự luyện tập để tìm ra phương pháp học tiếng Anh phù hợp nhất với mình. Đó là lý do quãng nghỉ giữa các học phần ra đời.
Mỗi người có một phương pháp học riêng, không giống ai và không phải ai cũng nhanh chóng tìm ra điều này. Khi có được phương pháp học đúng đắn, rèn luyện thường xuyên trong một thời gian đủ dài thì khi bước vào tiếng Anh chuyên ngành hay các bài thi chuẩn đầu ra TOEIC bạn sẽ chẳng phải ngại gì cả.
Vấn đề ở đây là rất nhiều bạn sinh viên chủ quan, coi thường tiếng Anh, chỉ coi nó như một môn học cho đủ chương trình nên học xong bỏ đó, không chịu rèn luyện, đến khi gặp chuẩn đầu ra mới "vắt chân lên cổ" ôn luyện thì đã quá muộn. Việc dạy trên trường đại học còn bất cập nhưng các bạn nên hiểu là BGH đã làm hết sức có thể rồi. Không thể bố trí vài giáo viên mỗi lớp để chăm từng sinh viên được. Và trên hết, tiếng Anh là kỹ năng của riêng bạn, bạn nên có trách nhiệm với chính bản thân mình.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.