Trẻ em nhớ sai sự kiện lịch sử dân tộc, thế là xã hội bảo cần tăng số giờ dạy môn lịch sử.
Người lớn thô lỗ trên mạng, viết sai chính tả: đáng lẽ phải tăng cường dạy tiếng Việt, dạy Văn từ phổ thông.
Doanh nghiệp tuyển không được người lao động thành thạo ngoại ngữ: cần phải dạy tiếng Anh cho học sinh từ nhỏ.
Con người hành xử vô cảm, thiếu tình người: là vì môn đạo đức không được chú trọng.
Đất nước tụt hậu về khoa học công nghệ: giáo dục phổ thông lẽ ra phải tăng cường các môn khoa học kỹ thuật thay vì văn chương chữ nghĩa...
Những cách đặt vấn đề như trên tuy phiến diện nhưng có phần đúng ở khía cạnh nhìn ra ý nghĩa nhân - quả trong giáo dục: cái "gốc" giáo dục phổ thông sẽ để lại những ảnh hưởng đến toàn bộ đời người, cũng như tác động về mặt xã hội với độ lùi 20-50 năm.
Nhưng việc quy mọi thứ về giáo dục phổ thông sẽ dẫn tới sự cực đoan. Chẳng hạn, nhiều người đòi đưa vào sách giáo khoa mọi thứ: một tấm gương dũng cảm cứu người; kỷ niệm một ngày lễ lớn; chân dung một nhà khoa học vừa đoạt giải; một vụ tai nạn thương tâm, một chuyện vi phạm pháp luật (để các em biết được mà tránh)... Theo thời gian, chương trình phổ thông được kỳ vọng "chất" thêm tin học, ngoại ngữ, STEM, kỹ năng sống, hùng biện - thuyết trình, trải nghiệm - sáng tạo, luật giao thông, tài chính cá nhân, giáo dục giới tính, phòng chống bạo lực học đường...
Nhưng sách giáo khoa, hay giáo dục phổ thông là những khái niệm hữu hạn, ở đó phải cân bằng rất nhiều thứ: giữa các môn học, nhóm môn học; giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; giữa nông thôn, vùng xa và thành thị; giữa tính dân tộc và quốc tế...
Đó là lý do rất khó đạt đồng thuận toàn dân cái gì nên có trong giáo dục phổ thông. Rất khó có một chương trình vừa thống nhất trong toàn quốc, vừa thỏa mãn tất cả mọi người. Giáo dục phổ thông được kỳ vọng trang bị "đủ mọi thứ" trong khi bản thân nó luôn ở trạng thái không bao giờ có đủ: không đủ thời gian, không cập nhật hết, không thấu hiểu hết, không thể cá nhân hóa hết...
Giáo dục phổ thông, đúng nghĩa "phổ thông", thực ra lại khá tương đồng ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm những nội dung, nguyên tắc mà con người dù sống ở đâu hay ở quãng thời gian nào cũng cần để tồn tại; bao gồm:
Một hệ thống các môn học bao gồm toán, ngôn ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.
Một hệ thống các nguyên lý chung nhất để con người hiểu và lý giải các vấn đề cá nhân, xã hội, tự nhiên.
Một tập hợp kiến thức và kỹ năng để một người làm tốt vai trò của công dân trong xã hội.
Khi so sánh các nền giáo dục, nếu bỏ đi sự khác biệt ngôn ngữ và văn hóa thì các nội dung của giáo dục phổ thông có sự tương đồng cao. Nhưng cách thức giáo dục lại có khác biệt đáng kể. Cụ thể là:
Khác biệt lớn về triết lý, mục tiêu giáo dục: Mỗi nền giáo dục có cách trả lời cho các "câu hỏi lớn" rất khác nhau tùy thuộc vào định hướng và trình độ phát triển, như: Học để làm gì? Học cái gì? Học như thế nào?
Khác biệt lớn về việc phân chia môn học. Ví dụ giáo dục trung học phổ thông ở Anh phân chia các môn khoa học tự nhiên thành Vật lý, Hóa học, Sinh học; chia khoa học xã hội thành Lịch sử, Địa lý thì giáo dục Mỹ tích hợp các nội dung vật lý, hóa học, khoa học trái đất, khoa học sự sống thành môn chung Khoa học, còn môn Nghiên cứu xã hội bao gồm các nội dung không chỉ lịch sử Mỹ, lịch sử thế giới, địa lý tự nhiên, địa lý nhân văn mà còn có chính phủ và nhà nước, tâm lý, kinh tế học, kinh doanh...
Khác biệt lớn về việc đặt nội dung gì, môn nào vào cấp học nào: Ví dụ, chương trình giáo dục hiện hành của Việt Nam (ban hành năm 2018) đã có sự thay đổi đáng kể, nhưng ở bậc học trung học phổ thông không có những môn học giống như các nước Anh, Mỹ, tức không có: Quan hệ quốc tế, Du lịch, Tâm lý học, Xã hội học, Triết học, Tôn giáo học... Chương trình phổ thông GCSE và A level của Anh có trung bình 40 tới hơn 50 môn học mà ở Việt Nam chỉ đến bậc đại học mới dạy, buộc học sinh Anh phải chọn môn này, bỏ môn kia.
Khác biệt rất lớn về hiệu quả và trải nghiệm: có những nền giáo dục đạt được thành tích cao thì học sinh phải học số giờ rất lớn, thi cử căng thẳng và không mấy hạnh phúc; có những nền giáo dục học sinh được tự do hơn nhiều, ít áp lực nhưng kết quả các bài kiểm tra so sánh năng lực quốc tế (như PISA) lại không cao. Có những nền giáo dục thiết kế đơn giản nhưng lại đạt được cả kết quả cao lẫn mức độ hạnh phúc cao.
Giáo dục thế giới cũng vận động liên tục với những câu hỏi tự vấn là làm thế nào để học sinh học ít hơn mà giỏi hơn, hạnh phúc hơn, có trách nhiệm hơn. Những mục tiêu giáo dục đưa ra hầu như trong nó đều chứa đựng sự mâu thuẫn nội tại, và phản ánh sự cầu toàn, đôi khi không thể có giải pháp.
Một trong những lý do khiến giáo dục phổ thông bế tắc chính là kiến thức phổ thông ngày càng tăng lên theo cấp số nhân. Một nghiên cứu cho thấy vào năm 1945, phải mất 25 năm để tổng tri thức của nhân loại tăng lên gấp đôi, nhưng hiện tại, cứ 12 giờ thì kiến thức nhân loại đã nhân đôi. Vì lẽ đó, rất nhiều nền giáo dục vốn đặt trọng tâm vào việc dạy kiến thức nay trở nên "mệt mỏi" vì không có cách nào dạy hết lượng kiến thức càng lúc càng nở bung như "bột mì vĩnh cửu".
Để khắc phục, các cải tiến trong giáo dục hiện chuyển trọng tâm dần sang dạy cách học hơn là chỉ dạy kiến thức, đồng thời mở rộng không gian học tập mọi lúc, mọi nơi, tận dụng mọi cơ hội, mọi khoảnh khắc thay vì chỉ học ở trong lớp, tại nhà trường.
Khi học sinh biết cách học, các em sẽ luôn tìm được câu trả lời cho hầu hết vấn đề phổ thông, và cũng không cần thiết phải biến mình thành cỗ máy ghi nhớ. Thang tư duy của Bloom cho chúng ta biết, Nhớ là cấp độ thấp nhất của việc học, của tư duy trong các cấp bậc từ thấp lên cao: Nhớ - Hiểu - Áp dụng - Phân tích - Đánh giá - Sáng tạo. Học rộng rất quan trọng, nhưng học sâu có ý nghĩa hơn nhiều.
Sự không hài lòng với giáo dục phổ thông có ở khắp mọi nơi, do kỳ vọng cao vào một bữa tiệc "buffet" chung của những thực khách có khẩu vị khác nhau sẽ tạo áp lực cho cả những "đầu bếp" lành nghề nhất. Nhưng ở góc nhìn tích cực, đó là cơ hội cho các cải tiến tiếp theo trong giáo dục. Các nhà giáo dục sẽ cần đặt những cải tiến của mình dựa trên các cơ sở pháp lý của nước sở tại, cơ sở khoa học của nghiên cứu trong giáo dục, cũng như cơ sở thực tiễn của các thông lệ tốt trên thế giới.
Cả cha mẹ và nhà trường cũng cần thống nhất, giáo dục hay việc học phổ thông không chỉ xảy ra trong trường, với thầy cô, mà còn xảy ra ở nhà, cùng cha mẹ, ở ngoài cộng đồng nữa. Đó là lý do mà khi chúng ta muốn hỗ trợ cho việc học của trẻ em, thì:
Nếu trường học còn thiếu, sẵn sàng bổ sung thêm cho trẻ.
Nếu con chưa học ở trường, hãy khuyến khích con tìm hiểu.
Nếu cha mẹ biết hoặc có kinh nghiệm, hãy hướng dẫn cho con.
Nếu con quan tâm, con có thể học thêm qua sách, qua báo, qua Internet, qua kết nối bạn bè, qua trải nghiệm cộng đồng.
Rất nhiều kỹ năng phổ thông và phẩm chất cá nhân cần sự rèn tập hàng tháng, hàng năm trời mới có, chứ không thể có ngay như tiếp nạp kiến thức, do vậy việc học phổ thông không có điểm dừng, ngay cả khi trẻ em thành người lớn.
Người lớn, bao gồm cha mẹ, thầy cô và bất cứ ai quan tâm đến trẻ em, đều có thể và có quyền đưa ngay những điều hữu ích đến với trẻ vào "chương trình phổ thông", vào "sách giáo khoa" của chúng mỗi ngày. Để làm điều đó một cách hiệu quả, sẽ đòi hỏi sự nhọc công: người lớn phải làm gương một "người học" trọn đời bằng cách chính mình cũng không ngừng học tập và khuyến khích học tập.
Bùi Khánh Nguyên