Ngày 29/4, Thủ tướng ký Nghị quyết 60 về xuất khẩu khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng chống Covid-19. Theo đó, quy định cấp giấy phép xuất khẩu khẩu trang y tế tại Nghị quyết 20/2020 được bãi bỏ. Tức là khẩu trang y tế sẽ được xuất khẩu không giới hạn về số lượng.
Nghị quyết 60 cũng quy định, dựa vào diễn biến dịch bệnh và nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế trong nước, Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định các biện pháp quản lý phù hợp đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh.
Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Công Thương công khai danh sách, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang. Bộ Tài chính công khai danh sách doanh nghiệp, số lượng khẩu trang y tế xuất khẩu.
Bộ Công Thương chịu trách nhiệm kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các cơ sở có hiện tượng tăng giá bán nguyên liệu bất hợp lý, đầu cơ tích trữ khẩu trang và sản xuất khẩu trang y tế không phù hợp tiêu chuẩn. UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan kiểm tra các cơ sở xuất khẩu khẩu trang y tế tại địa phương, đảm bảo chất lượng khẩu trang.
Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, và cam kết bán cho cơ sở y tế khi có yêu cầu.
Trước đó giữa tháng 4, Thủ tướng đã đồng ý cho phép xuất khẩu khẩu trang y tế và yêu cầu Bộ Y tế sửa quy định tại Nghị định 20. Trình Chính phủ sau đó, Bộ Y tế đề xuất, doanh nghiệp chỉ được xuất khẩu nếu đã bán hoặc có văn bản thoả thuận hỗ trợ cho cơ sở y tế tối thiểu 20% lượng dự kiến xuất khẩu. Tuy nhiên, kiến nghị này của Bộ Y tế vấp phải quan điểm trái chiều từ các doanh nghiệp và bộ, ngành vì cho rằng sẽ khiến khẩu trang y tế Việt Nam mất cơ hội xuất khẩu và đề nghị xuất khẩu không giới hạn số lượng.
Theo số liệu của cơ quan hải quan, đã có hơn 88 triệu chiếc khẩu trang được xuất khẩu đến trung tuần tháng 4, trị giá 34 triệu USD, trong đó phần lớn là khẩu trang vải kháng khuẩn. Tính chung từ đầu năm, Việt Nam đã xuất 415 triệu chiếc trị giá trên 63 triệu USD.
Anh Minh