Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nêu nhiều điểm nghẽn trong việc xuất khẩu khẩu trang (y tế và vải) của Việt Nam tại cuộc họp chiều 24/4.
Theo ông, năng lực sản xuất khẩu trang y tế của các doanh nghiệp hiện khoảng chục triệu chiếc một ngày, nhưng có vướng mắc do hoạt động mua dự trữ phục vụ phòng dịch của ngành y tế nên gây ách tắc toàn bộ hoạt động xuất khẩu mặt hàng này. Do đó, trong 60 triệu chiếc khẩu trang y tế cần dự trữ cho phòng dịch thì hiện mới mua được 46 triệu chiếc.
"Chính phủ đã ra kết luận về việc cấp phép xuất khẩu khẩu trang y tế. Hiện nay với năng lực sản xuất lớn, nhưng chỉ vì y tế chưa mua đủ 14 triệu chiếc mà gây khó khăn chung", ông Hoài nói.
Đại diện cơ quan này cũng đề nghị ngành y tế đẩy nhanh việc mua đủ lượng khẩu trang y tế dự trữ còn thiếu (14 triệu chiếc) thông qua cơ chế đấu thầu, sau đó cho phép doanh nghiệp xuất khẩu không giới hạn mặt hàng này.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với khẩu trang vải khi năng lực cung ứng của các doanh nghiệp dệt may lên tới 11 triệu chiếc một ngày, nhưng tiêu thụ thấp khiến tồn kho tăng, khoảng 20 triệu chiếc. "Khẩu trang vải cũng đang rất cần đầu ra xuất khẩu vào các thị trường đang cần mặt hàng này cho phòng dịch", Cục trưởng Cục Công nghiệp nêu.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận sẽ lãng phí nếu năng lực sản xuất của doanh nghiệp lớn mà vì lý do khách quan bị ách tắc đầu ra. Ông đồng ý sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép đẩy mạnh xuất khẩu khẩu trang trên cơ sở đề nghị ngành này đẩy nhanh quá trình mua dự trữ.
Trong văn bản gửi Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính cũng kiến nghị, từ 16/5, khẩu trang y tế có thể xuất khẩu mà không cần được cấp giấy phép khi đã chủ động được nguồn cho trong nước.
Nêu ý kiến với Chính phủ, Bộ Y tế đề xuất vẫn cần có điều kiện với doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang. Cụ thể, bộ đề nghị sửa Nghị định 20 theo hướng doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải bán hoặc hỗ trợ cơ sở y tế trong nước tối thiểu bằng 20% số lượng ghi trong tờ khai. Quy định như vậy, Bộ Y tế lý giải, tránh xảy ra tình trạng các cơ sở y tế không thể mua được khẩu trang trong nước để phòng, chống dịch.
Cũng tại cuộc họp, ông Trương Thanh Hoài lo lắng, ngành sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn rất lớn về thị trường đầu ra từ tháng 4.
Chẳng hạn, các đơn hàng của dệt may, da giày từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU... đã giảm 70% do liên tục bị huỷ, dừng sau khi họ bùng phát dịch bệnh. Khoảng 3 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp khác của dệt may, da giày bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó họ cũng gặp khó khăn trong lưu thông, xuất khẩu hàng hóa.
Tương tự với ngành điện tử, sản xuất lắp ráp ôtô trong nước khi sụt giảm doanh thu, các đại lý kinh doanh, nhà máy sản xuất tạm thời đóng cửa, sản xuất cầm chừng. Sau nới lỏng cách ly xã hội từ 23/4, phần lớn đã hoạt động trở lại nhưng công suất hiện duy trì ở mức rất thấp do lượng tồn kho cao.
"Gần như hầu hết ngành sản xuất công nghiệp đều đang sụt giảm. Tình hình sẽ chưa cải thiện đến cuối tháng 4", ông Hoài nói và dự báo chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 sẽ giảm sâu so với cùng kỳ 2019, ảnh hưởng chung tới tăng trưởng toàn ngành công nghiệp, nền kinh tế năm nay.
Khó khăn nhưng theo Bộ Công Thương, gần một tháng qua hầu như chưa doanh nghiệp công nghiệp nào, nhất là khối vừa và nhỏ, tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng từ các ngân hàng. "Chúng ta cần đảm bảo doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối tượng dễ tổn thương nhất do tác động Covid-19 có thể tiếp cận tối đa chính sách tín dụng, thuế và tài chính của Chính phủ, để giảm tối đa doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động", Cục trưởng Cục Công nghiệp kiến nghị.
Anh Minh