Biến đổi khí hậu, môi trường ô nhiễm... kéo theo tỷ lệ mắc các bệnh lý tai - mũi - họng ngày càng tăng cao. Tình trạng kháng kháng sinh trong điều trị các bệnh lý hô hấp trở thành thách thức với ngành y tế.
Các bệnh lý tai - mũi - họng thường gặp như viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang, viêm họng amidan, viêm VA, viêm tai giữa. Những bệnh này thường kéo dài dai dẳng, tái đi tái laị nhiều lần. Nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não, tim mạch, phổi...
Kháng sinh được xem là "vũ khí" giúp điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, hiện nay, hiện tượng kháng thuốc dấy lên lo ngại về việc điều trị cho bệnh nhân, nhất là khi Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trong khu vực châu Á. Trước kia, viêm nhiễm tai - mũi - họng có thể dùng những loại thuốc rất thông thường. Hiện nay, trong một số trường hợp tái diễn, bác sĩ phải kết hợp dùng những loaị thuốc thế hệ mới hơn.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tuấn Cảnh - Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, thời gian gần đây, có rất nhiều trẻ bị viêm tai thường là hậu quả do viêm mũi họng. Nếu khoảng 5, 10 năm trước, bệnh nhân chỉ cần khám và điều trị ở phòng khám thì bây giờ nhiều trường hợp phải nhập viện, tiêm, truyền kháng sinh và làm những thủ thuật hỗ trợ ví dụ như chích rạch màng nhĩ, đặt ống thông khí, nạo VA... để điều trị bệnh.
Nhiều trẻ em bi ̣viêm tai vào những giai đoạn chuyển mùa. Điều tri ̣dai dẳng bệnh lý thông thường này khiến các bâc̣ cha me ̣đau đầu và tốn kém, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của gia đình, lợi ích xã hội.
"Ở phạm vi toàn xã hội, tiêu tốn chi phí cho kháng sinh rất nhiều, nhất trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Nếu không truyền thông nhiều hơn, tình trạng kháng kháng sinh trong tương lai có thể diễn biến ngày càng phức tạp", bác sĩ Cảnh nói.
Nguyên nhân kháng kháng sinh
Các vấn đề liên quan đến kháng kháng sinh của bệnh lý nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng, nhất là tai - mũi - họng có thể xuất phát từ sự chủ quan của người bệnh và người chữa bệnh.
Theo bác sĩ Cảnh, nhiều người Việt mỗi khi đau ốm thường có thói quen tự ra hiệu thuốc và khai một số triệu chứng, sau đó, nhân viên bán thuốc kê toa để điều trị. Sau vài ngày, nếu thấy đỡ hơn sẽ ngưng, thậm chí, bệnh nhân còn không phân biệt được các loại thuốc có công dụng gì, thuốc nào là kháng sinh. Điều này dẫn đến sử dụng kháng sinh không cần thiết cho những bệnh cảm thông thường gây ra bởi virus.
Bác sĩ Cảnh chia sẻ thêm, có hai nguyên nhân chính gây nhiễm khuẩn hô hấp là virus và vi khuẩn. 70-80% bệnh lý viêm tai - mũi - họng là do nhiễm virus diễn tiến sẽ tự khỏi trong vòng 4-7 ngày. Bác sĩ cần xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, xem xét có cần thiết phải dùng kháng sinh để điều trị bước đầu hay không. Nếu điều trị phải xác định có nhiễm khuẩn và các loại vi khuẩn này thường nhạy cảm với loại kháng sinh nào. Từ đó, có chiến lược điều tri ̣đúng loại kháng sinh, đúng liều lượng và đủ thời gian.
Nếu không uống kháng sinh đủ liều, đủ thời gian dẫn đến vi khuẩn không bị tiêu diệt hoàn toàn và phát triển kháng thuốc. Vi khuẩn kháng thuốc có thể lan truyền sang các cá thể khác trong cộng đồng, hậu quả là kháng sinh thông thường không còn hiệu quả.
Cách dùng kháng sinh hợp lý
Theo bác sĩ Cảnh, ngay từ ban đầu, bác sĩ cần phân biệt lý do nhiễm virus hay vi khuẩn, lên phác đồ điều trị phù hợp. Để phân biệt nhiễm bệnh do virus hay vi khuẩn, bác sĩ nên dựa vào triệu chứng bệnh và thời gian phát bệnh. Ví dụ bệnh viêm họng, đối với nhiễm virus, thời gian đầu người bệnh đau họng, sốt và niêm mạc họng sưng đỏ. Triệu chứng sốt thường cao trong những ngày đầu, đến ngày thứ 4, thứ 5 bắt đầu thuyên giảm. Sau một tuần, các triệu chứng này sẽ hết.
Trong khi đó, nếu nhiễm vi khuẩn niêm mạc sưng đỏ, khám họng thấy có mủ. Có thể làm thêm xét nghiệm máu, nếu chỉ số bạch cầu tăng là do vi khuẩn; còn nếu do virus, bạch cầu có khuynh hướng giảm. Chỉ khi nào có bằng chứng cho thấy bệnh nhân đang bi ̣nhiễm khuẩn mới nên kê đơn kháng sinh.
Về phía người bệnh, để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người thân trong giai đoạn giao mùa dễ mắc tai - mũi - họng, cần chủ động tìm hiểu và có sự tư vấn của bác sĩ về các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng, được chẩn đoán và điều trị thích hợp. "Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ và phải sử dụng đúng loại, đúng liều, đúng thời gian", bác sĩ Cảnh nhấn mạnh.
Nếu phải thường xuyên di chuyển hoặc khi thay đổi thời tiết, người lớn, trẻ nhỏ lưu ý phòng các bệnh hô hấp gồm giữ ấm cơ thể; vệ sinh họng, miệng mỗi ngày; tránh quạt máy, máy lạnh; ăn uống đủ chất; thể dục thường xuyên, chủng ngừa đầy đủ...
Ngọc An