Vi khuẩn và virus là những vi sinh vật gây ra nhiều bệnh truyền nhiễm khác nhau. Kháng sinh là liệu pháp được sử dụng phổ biến để điều trị và dự phòng nhiễm khuẩn tuy nhiên không hiệu quả trên các bệnh có nguyên nhân từ virus như cảm cúm.
Từng được xem là tiến bộ trong y học, kháng sinh là "vũ khí" dùng để tiêu diệt hoặc bảo vệ cơ thể trước sự tăng trưởng, tấn công của các yếu tố có hại như vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng... tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh chưa hợp lý như hiện nay là đáng báo động khi tình trạng kháng thuốc ngày càng gia tăng.
Covid-19 được xem là một trong những nguyên nhân góp phần làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh tại nhiều quốc gia. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo cẩn trọng khi dùng kháng sinh để điều trị Covid-19 vì sẽ gây ra hiện tượng kháng thuốc, hậu quả dẫn đến nhiều ca tử vong hơn. Các bệnh nhân nhiễm Covid-19 sẽ có các triệu chứng của nhiễm virus như sốt, ho khan, mệt mỏi... vốn không thể điều trị bằng kháng sinh.
Mối nguy kháng thuốc và thách thức trong ngành y
Tình trạng kháng thuốc tại các nước đang phát triển phát sinh từ nhiều nguyên nhân, nhưng phổ biến là do chẩn đoán lâm sàng sai và sử dụng kháng sinh chưa đúng cách, kháng sinh sẵn có dễ mua, thiếu dữ liệu giám sát vế sự phát triển của đề kháng hay kháng sinh kém chất lượng, lạm dụng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi... Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi kháng kháng sinh là "cơn sóng thần" đến chậm và ghi nhận đây là một trong mười mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu năm 2019.
Với tình trạng kháng thuốc ngày càng nhân rộng, vi khuẩn có cơ hội tấn công những người mắc các bệnh lý về hô hấp do virus như cúm, hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và nhất là Covid- 19. Kháng kháng sinh có thể gây kéo dài thời gian nằm viện, gia tăng chi phí y tế và tăng tỷ lệ tử vong.
Để không phải bước vào kỷ nguyên mà các bệnh nhiễm khuẩn thông thường cũng có thể trở nên nguy hiểm, không gì quan trọng bằng tự nhận thức và nghiêm chỉnh thực hiện lời kêu gọi từ WHO để hạn chế sự bùng phát kháng kháng sinh là chỉ sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, luôn hoàn tất đủ liệu trình kháng sinh, ngay cả khi bạn đã cảm thấy khỏe hơn, không được dùng chung kháng sinh hay sử dụng kháng sinh còn thừa.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế Việt Nam, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Văn phòng đại diện GSK Pte Ltd tại Việt Nam vừa qua đã ký kết Biên bản ghi nhớ chương trình Hợp tác phòng, chống kháng kháng sinh tại Việt Nam 2021-2023 như là một trong những nỗ lực ngăn chặn kháng kháng sinh tại Việt Nam, góp phần đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc cho thế hệ tương lai.
Các đơn vị sẽ triển khai các chương trình nâng cao năng lực nhân viên y tế về điều trị và kê đơn kháng sinh hợp lý cho các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng, đồng thời thực hiện các chiến dịch truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong việc sử dụng kháng sinh đúng cách...
Ngọc An
Chung tay ngăn chăn tình trạng kháng kháng sinh là chương trình giáo dục bệnh dành cho công chúng được phối hợp thực hiện bởi Hội Hô hấp TP HCM và Văn phòng đại diện GSK Việt Nam. Bạn nên tư vấn bác sĩ để hiểu thêm về các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng và được chẩn đoán, điều trị thích hợp.