Kịch diễn ở Nhà hát Lớn trong đêm kỷ niệm 35 năm ngày Lưu Quang Vũ qua đời, do Trần Lực dựng lại theo lối ước lệ biểu hiện. Chọn cảnh về sự đấu tranh nội tâm giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt, những mâu thuẫn đời thường khi Trương Ba phải sống cảnh hồn nọ xác kia, Trần Lực muốn làm rõ thông điệp đả phá thói giả trá của vở kịch.
Trong 45 phút, nhóm năm diễn viên gồm Hoàng Tùng (xác hàng thịt), Trung Anh (Trương Ba), Phương My (vợ hàng thịt), Thân Thương (vợ Trương Ba), Võ Hoài Vũ (Đế Thích) tái hiện bi kịch của nhân vật chính. Sau khi nhập vào xác anh hàng thịt, Trương Ba ban ngày sống ở nhà hàng thịt, giúp vợ anh giết mổ lợn, đến tối lại về nhà mình. Ông có những rung động mơ hồ với bà hàng thịt nhưng lại thờ ơ, khó đối diện với vợ mình. Quá đau khổ vì những mâu thuẫn thường nhật, ông liên tục đi hỏi "Tôi là ai hả giời?", "Khổ nhất trên đời này là không biết mình là ai". Cuối cùng, Trương Ba xin được chết để thoát khỏi bi kịch.
Lời thoại được giữ theo kịch bản gốc, nhưng thêm thắt một số câu phù hợp với cuộc sống hiện đại, mang tính hài hước. Người xem trong khán phòng Nhà hát Lớn cười rộ lên với cảnh vợ anh hàng thịt quyến rũ Trương Ba hay khi Trương Ba nói: "Ban đêm về với vợ mình mà thấy xa lạ như vợ người ta, ban ngày ở với vợ người ta lại ngỡ như vợ mình".
Cách nhấn nhá, nhả chữ, ngôn ngữ cơ thể của các diễn viên mang tính cường điệu, hài hước. Cảnh Đế Thích hát, nhảy làm phép cho anh hàng thịt sống lại khiến nhiều khán giả bật cười.
Đạo diễn Trần Lực hạn chế đạo cụ, tận dụng sân khấu tối giản. Trong các cảnh như rót nước, mời cơm, diễn viên thậm chí không dùng chén bát, chỉ dùng động tác tay minh họa. Cảnh giằng xé giữa hồn và xác, hai nghệ sĩ dùng nhiều động tác cơ thể để diễn tả. Tiết tấu kịch cũng nhanh và linh động hơn bản dựng trước đây.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét cái khó của dàn diễn viên là chỉ biểu diễn một trích đoạn trong 45 phút, vì thế, khán giả không nhìn thấy sự thay đổi tâm trạng của từng nhân vật từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, theo ông, các diễn viên trẻ đã truyền đạt tốt thông điệp về cuộc đấu tranh nội tâm giữa cái thiện và cái ác, giữa phần con và phần người, giữa khát vọng và dục vọng bên trong mỗi cá nhân.
Ông Nguyên cho rằng không nên so sánh bản dựng của đạo diễn Trần Lực với dàn diễn viên trẻ và bản dựng kinh điển của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi và các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam. "Một vở kịch hay cần được diễn lại, với hình thức phù hợp với thời đại. Tôi nghĩ Trần Lực nên mạnh dạn dựng lại toàn bộ tác phẩm", ông Nguyên nói.
Trích đoạn vở kịch là một phần trong chương trình Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, tưởng nhớ 35 năm ngày Lưu Quang Vũ qua đời. Trong chương trình, nhiều nghệ sĩ như Lê Khanh, Lê Chức, Minh Trang, Đỗ Kỷ, Phạm Xuân Nguyên đọc lại các bài thơ của Lưu Quang Vũ, xoay quanh hai chủ đề lớn là tình yêu nước và tình yêu đôi lứa. Ca sĩ Mỹ Linh, Vũ Thắng Lợi, Bùi Hà My hát một số ca khúc chuyển thể thơ ông.
Hồn Trương Ba, da hàng thịt được Lưu Quang Vũ viết năm 1981, Nguyễn Đình Nghi dựng thành kịch năm 1986, đoạt huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1990, là vở kịch Việt Nam đầu tiên công diễn ở nước ngoài. Năm 2002, êkíp người Anh dựng lại vở với tên The Butcher's Skin.
Trước khi trở thành hiện tượng sân khấu, kịch bản từng bị nằm im trong ngăn kéo bản thảo của Lưu Quang Vũ 5 năm, bởi bị cho là "có vấn đề" trong việc phản ánh hiện thực. Sau nhiều nỗ lực của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, vở được dựng theo lối ước lệ mang nhiều nét của nghệ thuật chèo, trở thành tác phẩm nổi bật nhất của Nhà hát Kịch Việt Nam cuối thế kỷ 20. Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái gọi Hồn Trương Ba, da hàng thịt là "vở diễn duy nhất ở sân khấu Việt Nam đạt tới một số phận văn hóa".
Lưu Quang Vũ sinh năm 1948, là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch tài hoa. Ngoài Hồn Trương Ba, da hàng thịt, tên tuổi của ông gắn với nhiều tác phẩm sân khấu giá trị như Tôi và chúng ta, Mãi mãi tuổi 17, Nàng Sita. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000.
Ông mất năm 1988 cùng vợ - Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ - khi ấy sáu tuổi, trong một tai nạn xe hơi. Nữ sĩ sinh năm 1942 nổi tiếng với bài Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa, tập thơ Hoa dọc chiến hào, Lời ru trên mặt đất, Sân ga chiều em đi, Hoa cỏ may, Tự hát. Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.
Hà Thu