Dịp kỷ niệm 35 năm ngày Lưu Quang Vũ qua đời, nghệ sĩ Trần Lực dựng lại một trích đoạn trong vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt, diễn trong chương trình Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, tối 16/8 ở Nhà hát Lớn Hà Nội.
Đạo diễn vẫn nhớ như in cảm giác hạnh phúc năm 1990, khi còn là sinh viên du học ở Bulgaria, cùng bạn bè đi tàu đến Moskva (Liên Xô cũ) dự Liên hoan sân khấu quốc tế, xem nghệ sĩ Trọng Khôi đóng vai Trương Ba.
Tác phẩm được Lưu Quang Vũ viết năm 1981, Nguyễn Đình Nghi dựng thành kịch năm 1986, đoạt huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1990, là vở kịch Việt Nam đầu tiên công diễn ở nước ngoài. Năm 2002, êkíp người Anh dựng lại vở với tên The Butcher's Skin.
Trước khi trở thành hiện tượng sân khấu, kịch bản từng bị nằm im trong ngăn kéo bản thảo của Lưu Quang Vũ 5 năm, bởi bị cho là "có vấn đề" trong việc phản ánh hiện thực. Sau nhiều nỗ lực của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, vở được dựng theo lối ước lệ mang nhiều nét của nghệ thuật chèo, trở thành tác phẩm nổi bật nhất của Nhà hát Kịch Việt Nam cuối thế kỷ 20.
Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái gọi Hồn Trương Ba, da hàng thịt là "vở diễn duy nhất ở sân khấu Việt Nam đạt tới một số phận văn hóa".
Vở mang nhiều tầng ý nghĩa triết học qua bi kịch "hồn nọ buộc phải sống trong xác kia". Lưu Quang Vũ khi mượn tích truyện dân gian ngắn và đơn giản, phát triển thành vở kịch với sáu cảnh chính, cùng hệ thống nhân vật có tính cách đặc trưng, bộc lộ qua nhiều tình huống xung đột.
Trương Ba là ông lão giỏi đánh cờ, còn nhiều năm tuổi thọ nhưng phải chết vì sai lầm của Nam Tào. Để chuộc lỗi, Nam Tào, Bắc Đẩu và Đế Thích - bạn cờ của ông - để Trương Ba sống lại trong xác anh hàng thịt. Mâu thuẫn bắt đầu khi phần hồn thanh cao của Trương Ba dần bị lấn át bởi thân xác thô phàm. Ông trở nên vụng về, thô lỗ, bị gia đình xa lánh.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng kịch phản ánh cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa phần con và phần người, giữa khát vọng và dục vọng bên trong mỗi cá nhân. Ban đầu, Trương Ba xem cái xác chỉ là lớp vỏ bên ngoài, âm u, đui mù, không có tư tưởng, cảm xúc, cho rằng mình sẽ giữ được tâm hồn trong sạch, thẳng thắn. Thế nhưng, ông dần bị chi phối bởi những thói quen, sở thích phàm tục của anh hàng thịt. Nhân vật thậm chí có những rung động mơ hồ với vợ anh ta.
"Đó là cuộc chiến của những con người hiền lành, trong sáng ở môi trường sống khắc nghiệt, nhiều cám dỗ, vẫn mong muốn giữ được phần tốt đẹp của mình. Trong xã hội hiện đại, khi vật chất trở thành thước đo cho nhiều giá trị, chúng ta càng dễ bị cuốn theo guồng quay tham vọng, đánh mất phẩm giá", ông Nguyên nói.
Nhà báo Lưu Quang Định - em trai nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - cho rằng vở kịch đả phá thói giả tạo, giả trá của xã hội bằng ngôn ngữ trực diện, sâu cay. Trong đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt, thân xác nói: "Làm xong điều xấu gì ông cứ việc đổ tội cho tôi, để ông được thanh thản. Tôi biết: Cần phải để cho tính tự ái của ông được ve vuốt".
Giãi bày nỗi khổ khi phải sống cảnh hồn nọ xác kia, Trương Ba nói: "Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!". Còn Đế Thích trả lời: "Thế ông ngỡ mọi người đều được là mình toàn vẹn có ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng".
Nhà văn Ngô Thảo chỉ ra dù không phải là chủ đề chính, tác phẩm bóng gió đề cập lối làm việc tắc trách, quan liêu của những người quyền cao chức trọng. Nam Tào, Bắc Đẩu sơ suất khiến ông Trương Ba vốn hiền lành, nhân hậu phải chết bất đắc kỳ tử. Đế Thích muốn sửa sai nhưng sai càng thêm sai.
Ở phần cuối, khi Trương Ba dứt khoát muốn chết, trả lại xác cho anh hàng thịt, Đế Thích lại gợi ý ông nhập vào xác cu Tị mới qua đời. Lúc này, Trương Ba đáp: "Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác".
Nhà báo Lưu Quang Định nói: "Đó là lời cảnh tỉnh với những người lãnh đạo. Vài năm qua, chúng ta đã thấy nhiều quyết định sai lầm ở nhiều ngành, từ y tế đến kinh tế, giáo dục, không thể bù đắp, sửa chữa, như anh Lưu Quang Vũ viết: Không thể sửa một sai lầm này bằng một sai lầm khác".
Bà Nguyễn Thị Minh Thái nhấn mạnh Hồn Trương Ba, da hàng thịt không chỉ dừng lại ở việc "chửi xéo" lề lối làm việc tắc trách, đầy thói dửng dưng vô trách nhiệm của một thời mà tệ quan liêu bao cấp tràn lan như nạn dịch. "Nguyễn Đình Nghi đã tỉnh táo lướt qua cái bề ngoài có vẻ cạnh khóe của ngôn ngữ vở kịch để bóc lấy cái hạt nhân cơ bản bên trong, chính là nỗi đau nhân thế, nằm chìm dưới đáy sâu của kịch bản", bà Minh Thái cho biết.
Không giống như cái kết đẹp trong truyện cổ tích - Trương Ba sống lại viên mãn trong cái xác anh hàng thịt, Lưu Quang Vũ chọn cái kết bi kịch, nhưng cũng là sự giải thoát cho nhân vật. Trương Ba chết để được là mình toàn vẹn, nhường cơ hội sống cho anh hàng thịt. Với nhiều người, đó là bi kịch của nhân vật, nhưng cũng là cái kết đẹp khi cái tốt, cái thiện chiến thắng.
Lưu Quang Vũ sinh năm 1948, là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch tài hoa. Ngoài Hồn Trương Ba da hàng thịt, tên tuổi của ông gắn với nhiều tác phẩm sân khấu giá trị như Tôi và chúng ta, Mãi mãi tuổi 17, Nàng Sita. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000.
Ông mất năm 1988 cùng vợ - Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ - khi ấy sáu tuổi, trong một tai nạn xe hơi. Nữ sĩ sinh năm 1942 nổi tiếng với bàiThuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa, tập thơHoa dọc chiến hào, Lời ru trên mặt đất, Sân ga chiều em đi, Hoa cỏ may, Tự hát. Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.
Hà Thu